Giá sắt thép tăng, ngành xây dựng 'chóng mặt'
Theo bảng giá thép cập nhật ngày 15/3/2022 tại khu vực miền Nam, chủng loại D6 giá 18.380 đồng/kg, loại D10 CB 300 là 18.480 đồng/kg, CB 400 và CB 500 là 18.580 đồng/kg… Mặc dù mức giá hiện tại đã giảm so với thời kỳ cao điểm nhưng vẫn cao hơn trung bình khoảng 250.000 đồng - 650.000 đồng/tấn tùy loại so với một vài tháng trước đó.
Ảnh minh họa |
Điểm qua giá thép xây dựng của một số công ty thép có thương hiệu trên thị trường thì thấy mức giá đã được điều chỉnh tăng trên dưới cả 1 triệu đồng/tấn/tùy loại. Cụ thể như giá thép của TISCO đắt thêm 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, tuỳ loại. Nhiều thương hiệu thép khác trong nước cũng điều chỉnh giá bán thêm 700.000 - 800.000 đồng mỗi tấn từ cuối tuần đầu tháng 3/2022. Thép Kyoei tăng thêm 800.000 đồng mỗi tấn với thép thanh vằn CB300 D10, lên 18,02 triệu đồng; thép cuộn CB240 D10 lên 18,2 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng mỗi tấn so với tháng trước. Thép cuộn CB240 được thép Việt Đức báo giá 17,7 triệu đồng, tăng 700.000 đồng; thép vằn CB300 D10 cũng tăng lên ngưỡng giá mới 18,02 triệu đồng một tấn. Các dòng thép của Hòa Phát đều tăng thêm khoảng 700.000 đồng mỗi tấn so với cuối tháng 2...
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép tăng liên tục trong thời gian qua là do giá nguyên liệu, trong đó có phôi thép tăng cao đẩy nguyên liệu đầu vào tăng, buộc các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên để bù đắp chi phí. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới đang còn nhiều bất ổn, dịch bệnh, xung đột, giá dầu tăng, giao thương, vận chuyển khó khăn… Dự kiến trong thời gian tới, nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn sẽ tiếp tục được triển khai, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh.
Ông Nguyễn Gia Bảo, một chủ thầu công trình xây dựng lớn tại TP. Thủ Đức cho biết, thông thường giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh như hiện nay đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao. Đó là chưa kể đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, xi măng… cũng như giá nhân công cũng đồng loạt tăng giá, gây áp lực, khó khăn rất lớn cho nhà thầu.
“Có nhiều công trình giá trị xây dựng lên đến vài chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng, thường được chủ đầu tư và nhà thầu đàm phán, ký kết cả năm trước khi tiến hành. Mặc dù chủ thầu cũng đến yếu tố tăng giá nhưng nhiều khi cũng khó lường hết trước được, trong khi chi phí nguyên vật liệu chiếm 65 - 70% giá trị dự toán xây dựng công trình, nên việc yếu tố này tăng giá mạnh sẽ khiến chi phí xây dựng bị đội lên cao ngoài tầm kiểm soát, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình. Nhiều khi nhà thầu phải âm thầm chịu lỗ nên không đàm phán được với chủ đầu tư”, ông Bảo phân trần.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Hùng Ben cũng cho biết, sau đợt giãn cách vì Covid-19 công ty tái khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh và nhận được một số công trình xây dựng lớn. Tuy nhiên, niềm vui chưa thành hiện thực thì bao nỗi lo ập đến từ việc thiếu nhân công cho đến giá hàng loạt các nguyên vật liệu xây dựng, thiết bị trang trí nội thất đều đồng loạt tăng giá khiến cho doanh nghiệp phải cơ cấu lại giá thành và thiết lập lên một bảng báo giá mới gửi sang các đơn vị trước đây đã từng hợp tác lâu dài. Đây cũng là khó khăn chung và sự thích ứng bắt buộc của các chủ thầu trong bối cảnh hiện nay.
Theo Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), giá nguyên vật liệu tăng cao liên tục không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trực tiếp tác động đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp thi công, xây dựng mà vấn đề này còn ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ thi công của hàng loạt công trình xây dựng trọng điểm. Ngoài ra, đối với các công trình nhà ở thương mại, giá nguyên vật liệu, chi phí xây dựng tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào giá thành nhà đến tay người mua, bởi trong cách tính toán giá bất động sản, ngoài giá đất, các loại thuế phí thì chi phí xây dựng, trang thiết bị, vật liệu xây dựng luôn là yếu tố được tính kỹ trong từng m2 xây dựng. Vì vậy, VACC đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ nhằm có những biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng, điều chỉnh giá sắt thép kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, nhưng đến nay có lẽ vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ổn định được thị trường này.