Tăng cường bình ổn giá khi tăng lương
Hà Nội triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu 2024 |
Tạo động lực nâng cao năng suất lao động
Tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.
Sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý I/2024, tuy nhiên tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nam, việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, quan hệ cung cầu thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Trên thực tế, câu chuyện lo ngại giá cả các loại hàng hóa tăng theo lương luôn diễn ra trước mỗi kỳ tăng lương. Thực tế cũng đã chứng minh điều này là có cơ sở. Bên cạnh đó, tình trạng tăng giá theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu, dẫn đến tình trạng đầu cơ, nâng giá...
Chủ động xây dựng các phương án can thiệp bình ổn thị trường khi tăng lương sẽ góp phần kiềm chế lạm phát |
Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá
Để bảo đảm ý nghĩa của việc tăng lương, bình ổn thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện…
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định như vậy. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cùng với các cấp chính quyền cần kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh để đảm bảo niêm yết giá và kiểm soát phù hợp. Đặc biệt, điều này phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là cần có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Cùng với đó, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, chính sách tiền tệ cần chủ động linh hoạt, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá. Tạm thời không điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng một lúc; chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung hàng hóa.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh đề xuất, cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm tăng lương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ đã đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể.
“Cục Quản lý giá sẽ tập trung vào các giải pháp như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường”, bà Nhung nhấn mạnh.