Giá thuê khách sạn tại Đà Nẵng gần bằng 70% giai đoạn trước dịch
CBRE Việt Nam vừa tổ chức buổi họp báo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản Đà Nẵng nửa đầu năm 2022.
Theo thông tin tại họp báo, thị trường du lịch Đà Nẵng đang ấm dần lên nhờ sự nhộn nhịp trở lại của du khách quốc tế và trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố biển miền Trung này đón gần 1,33 triệu lượt khách lưu trú, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Du lịch sôi động giúp củng cố doanh thu ngành dịch vụ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Nhờ thu hút hiệu quả nhóm khách có khả năng chi trả cao như khách MICE, nhóm khách gia đình lưu trú tại khách sạn phân hạng 3 sao trở lên và tệp khách nước ngoài, doanh thu ngành du lịch nhìn chung đã có những bước tiến rõ nét.
Theo CBRE Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, thành phố chào đón thêm 2 dự án mới gồm Radisson Hotel Đà Nẵng (182 phòng) và Mikazuki Đà Nẵng (294 phòng). Thị trường khách sạn 4-5 sao tại Đà Nẵng hiện có tổng cộng 81 dự án với 15.343 phòng. Trong đó, số lượng phòng khách sạn 5 sao và 4 sao lần lượt chiếm 38% và 62%.
Do tác động kéo dài của dịch Covid-19, ngành kinh doanh khách sạn sụt giảm nặng nề trong hai năm trước. Giá thuê phòng và công suất phòng lần lượt giảm 40% và 53 điểm phần trăm trong giai đoạn 2020-2021 so với năm 2019. Bước sang năm 2022, khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, tình hình kinh doanh của các khách sạn 4-5 sao bắt đầu khởi sắc.
Ở thời điểm nửa đầu năm 2022, giá phòng ghi nhận bình quân đạt 70 USD/phòng/ngày đêm và công suất phòng duy trì ở mức 26,3%, lần lượt tăng 11% và 15 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Giá thuê phòng được nhận định hồi phục tương đối tích cực và đã tiệm cận gần 70% so với giai đoạn trước dịch, trong khi công suất phòng mới chỉ bằng 42% so với số liệu tại năm 2019.
Đến hết năm 2022, Đà Nẵng dự kiến có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung phòng lên gần 18.000 phòng với 91 dự án. Nguồn cung mới giúp thị trường thêm phần sôi động. Tuy nhiên, tình hình hoạt động sẽ chưa thể bật tăng hoàn toàn trở về mức trước dịch do diễn biến còn khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới có thể vẫn gây ảnh hưởng. Năm 2022, giá thuê phòng được dự báo tăng 30% so với cùng kỳ, chạm mức 79 USD/phòng/ngày đêm. Công suất phòng sẽ đạt 53,2%, tăng 43,5 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Đà Nẵng vẫn là một trong những thị trường nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Trong giai đoạn năm tài khóa 2022-2024, các đơn vị quản lý khách sạn tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây, với hàng loạt thương hiệu mới sẽ chính thức được ra mắt như Mandarin Oriental, JW Marriott, M Gallery, Le Méridien, Wink Hotels, lyf by The Ascott Limited...
Tính đến năm 2024, Đà Nẵng dự kiến có tổng cộng 99 dự án khách sạn 4-5 sao, với tổng nguồn cung phòng lên đến hơn 21.000 phòng. Sự hiện diện của nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp giúp nâng cao vị thế của thị trường khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng. Theo đó, giá thuê phòng dự báo sẽ tăng trưởng với mức CAGR 2021-2024 là 25%/năm và có thể đạt mức 119 USD/phòng/ngày đêm vào năm 2024. Công suất phòng sẽ hồi phục về mức trước dịch là 63%.
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng đang dần hình thành xu hướng phát triển ly tâm, tương tự như Hà Nội và TP.HCM. Phần lớn dự án bất động sản tại Đà Nẵng hiện nay đều tập trung ở các quận trung tâm hay khu vực dọc bãi biển Mỹ Khê. Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc và Đông Nam, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh.
Đà Nẵng sẽ chứng kiến sự nở rộ những dự án căn hộ hay khu đô thị ven sông trong giai đoạn tới. Đây là những dự án mang tính biểu tượng, được đầu tư "chuẩn chỉnh" về mặt thiết kế và chất lượng sản phẩm. Xu hướng này cho thấy Đà Nẵng đã và đang dần chuyển hướng phát triển bền vững hơn, tập trung kiến tạo các dự án căn hộ bán hạng sang và khu đô thị cao cấp, góp phần củng cố và nâng cao định vị toàn thị trường bất động sản thành phố.
Theo bà Dương Thùy Dung, sau đại dịch, bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại khu vực này. Với mục tiêu phát triển thông minh và bền vững, ở giai đoạn tiếp theo, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, Đà Nẵng sẽ chú trọng tạo đà bứt phá cho phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp. Đây là hướng đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sức bật cho toàn thị trường.