Giải ngân vốn đầu tư công: Không thể nói mà không làm
Khả năng cân đối vốn đầu tư công năm 2021 sẽ khó khăn | |
Có 10 bộ và cơ quan giải ngân vốn đầu tư công chưa được 10% | |
Thúc đẩy đầu tư công - lấy hiệu quả làm thước đo |
Chuyển biến, nhưng vẫn chậm
Sáng ngày 21/8/2020, trực tiếp chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giải ngân hết vốn đầu tư công năm nay. Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ vì tăng trưởng kinh tế, vì hạ tầng mà còn là việc làm, là thu nhập của người lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, Hà Tĩnh… cho biết, về cơ bản các địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tính đến hết tháng 7, TP.HCM đã giải ngân được 50%; Hà Nội giải ngân được 49,6%, tính cả các dự án đang nghiệm thu thì tỷ lệ là 53%; Hải Phòng ước đến hết tháng 8 giải ngân được 60%...
Đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên hiện giải ngân vẫn rất chậm |
Có thể nói đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ quan tâm, bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ cũng đã thành lập 7 Đoàn công tác nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Báo cáo tại Hội nghị này, Bộ Tài chính cho biết nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng với 7 Đoàn công tác của Chính phủ, tiến độ giải ngân đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao. Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Đến nay có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%.
Tuy nhiên tiến độ giải ngân khá chậm. Vẫn có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Đặc biệt, có 9 địa phương và có 9 bộ, cơ quan Trung ương đề nghị chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến cho giải ngân đầu tư công chậm, “bao gồm cả các nguyên nhân tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh” như: công tác giải phóng mặt bằng; thay đổi chính sách; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; giao vốn chậm. Ngoài ra còn có nguyên nhân lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.
Đầu tư công 7 tháng |
Ông dẫn chứng, đến nay mới có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án. Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án. Còn 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án. Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).
Bộ trưởng Dũng cũng nhận thấy công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập, các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
Theo ông, để vốn đầu tư công được giải ngân hết, cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng trong năm nay, đây là nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm. Khi chỉ còn 20 tuần nữa, tức là hơn 4 tháng là kết thúc năm 2020, nhiệm vụ rất nặng nề để giải ngân hết trên 55% số vốn đầu tư còn lại (khoảng 350.000 tỷ đồng). Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, các ngành, địa phương phải giải ngân hết số vốn còn nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý đến nơi đến chốn. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và cá nhân có liên quan trong năm nay.
“Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do chủ quan và việc tổ chức thực hiện kém”, Thủ tướng nhấn mạnh. Nhưng Thủ tướng nêu rõ: “Giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng”.