Giải quyết bất cập để du lịch Việt Nam bứt phá
Du lịch Đà Nẵng gặt hái quả ngọt Thị trường khách sạn vẫn còn nhiều tiềm năng phục hồi ngắn hạn Du lịch Đà Nẵng: Kỳ vọng và những đột phá |
Xét về quy mô, Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường gửi khách đến nước ta nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm với lần lượt là 3,3 triệu lượt khách (chiếm 26,5%) và 2,7 triệu lượt khách (chiếm 21,3%).
Du khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu người trong 9 tháng đầu năm (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Tuy nhiên, so với tháng 8/2024, lượng khách du lịch đến Việt Nam vào tháng này đã sụt giảm 11,3% khi chỉ đón 1,27 triệu lượt khách trong khi tháng trước là 1,43 triệu lượt khách.
Lý do về việc sụt giảm lượng khách này không bất ngờ bởi đầu tháng 9 siêu bão Yagi đổ bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều thành phố du lịch của nước ta như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… Hoàn lưu sau bão tiếp tục gây ngập lụt diện rộng khiến giao thông đi lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều tỉnh thành phía Bắc đã phải “đóng cửa” để giải quyết thiệt hại sau bão. Bên cạnh đó, tình hình chiến sự căng thẳng tại nhiều quốc gia vùng Trung Đông cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người e dè khi bay ra khỏi nước mình. Tuy nhiên, sau khi khắc phục hậu quả, cuộc sống sinh hoạt của người dân dần ổn định, nhiều thành phố du lịch phía Bắc nhanh chóng mở cửa đón khách trở lại, giúp tăng lượng khách du lịch.
Theo các chuyên gia, dù số lượng khách sụt giảm trong tháng 9 do nguyên nhân khách quan, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay. Khách quốc tế vẫn ưa thích đến Việt Nam vì nhiều cảnh quan đẹp, tình hình an ninh đảm bảo... Ngoài ra, việc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Úc, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… nhất là chương trình xúc tiến du lịch điện ản tại Hoa Kỳ lần đầu tiên được tổ chức tạo tiếng vang lớn cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch. Theo đó, nhiều dự báo khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển, tăng trưởng mạnh kỳ vọng sẽ đạt mức 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục là 2 quốc gia gửi khách đến nhiều nhất (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Nhưng để có thể cạnh tranh với du lịch các nước trong khu vực và tiếp tục bứt phá trong những tháng còn lại của năm cũng như thời gian tới, đòi hỏi du lịch Việt Nam phải có những thay đổi và điều chỉnh, nhất là vấn đề bất cập về giá cả và dịch vụ của du lịch.
Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi giá du lịch trong nước cứ đến “mùa du lịch” là tăng đột ngột, điển hình phải kể đến giá vé máy bay, một phương tiện du lịch ưa chuộng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều thời điểm giá vé máy bay tăng gần bằng giá một tour du lịch nội địa khiến nhiều du khách “ngán ngẩm”. Thay vì di chuyển máy bay họ thay đổi lựa chọn sang các tour du lịch bằng phương tiện giao thông khác hoặc một số thị trường du lịch khu vực lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Lào,… Với giá cả vừa tầm, địa điểm mới mẻ, các dịch vụ vượt trội, phương tiện và thời gian di chuyển tương đương khi du lịch tại một số điểm trong nước, các tour du lịch trên đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách cả nội địa và quốc tế. Điều này đã tạo sức ép không nhỏ lên du lịch nội địa.
Để giải quyết những vấn đề này, ngoài việc tập trung vào điều chỉnh giá, cải thiện việc đi lại, và phát triển các tour du lịch cụ thể phù hợp, du lịch trong nước cũng cần có sự liên kết giữa các tổ chức du lịch với các cơ sở lưu trú để có những mức giá ưu đãi cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch cũng cần có sự đầu tư về hạ tầng, đổi mới địa điểm để thu hút du khách và nâng cao dịch vụ tại các cơ sở lưu trú để giữ chân khách hàng. Việc tạo ra các gói tour dành riêng cho các sự kiện và lễ hội truyền thống diễn ra trong thời gian này cũng là một phương án khả quan để thu hút du khách quốc tế.