Du lịch Đà Nẵng: Kỳ vọng và những đột phá
Hiệu quả từ đa dạng hóa thị trường
So với thời điểm năm 2019, tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đến Đà Nẵng đều giảm. Đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%; Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới: Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,1%, Ấn Độ tăng 4,2%, Úc tăng 1,1%, Nga tăng 1,4%... Thực tế này phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới, đồng thời cũng thể hiện rõ hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế với các nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông, quảng bá điểm đến Đà Nẵng của địa phương đã duy trì và tăng trưởng lượng du khách.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận xét, với kết quả này, Đà Nẵng đã vượt qua thời điểm đỉnh cao năm 2019. Đây là sự quay trở lại ấn tượng của du lịch Đà Nẵng sau dịch Covid-19. Trên cơ sở lợi thế của điểm đến, về vị trí, tài nguyên… Đà Nẵng đã hình thành các sản phẩm đặc thù, đa dạng, định vị nguồn khách ngắn hạn, dài hạn và các nguồn khách tiềm năng đúng hướng.
Bên cạnh đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ, từ đầu năm đến nay, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển 11 loại hình sản phẩm đặc sắc góp phần thu hút, phục vụ du khách. Đặc biệt là các lĩnh vực du lịch lễ hội, sự kiện; du lịch tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề; du lịch ban đêm; du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng, sinh thái; du lịch đường thủy nội địa; du lịch đường biển. Cùng với đó là sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch hội nghị hội thảo (MICE), du lịch cưới, du lịch golf, du lịch ẩm thực... Đây là những nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch.
Đà Nẵng phát triển du lịch cưới và ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 |
Không còn mùa thấp điểm
Thông thường từ tháng 9 đến cuối năm là mùa du lịch thấp điểm, nhưng theo ông Cao Trí Dũng, hiện vẫn có lượng khách tốt từ Hàn Quốc. Đến nay Đà Nẵng gần như không còn khái niệm mùa thấp điểm. Đặc biệt, từ tháng 10 trở đi lại là cao điểm của khách châu Âu, châu Úc, châu Mỹ. Đà Nẵng đã nhận được tín hiệu khả quan từ các thị trường này. Khách châu Âu đã bắt đầu chuyển hướng tới Đà Nẵng, lưu trú nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, nguồn khách cũng đa dạng hơn. Hệ sinh thái, sản phẩm của Đà Nẵng rất phù hợp với nguồn khách này.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố phấn đấu năm 2024 đón 10,3 triệu lượt khách lưu trú, tăng 39% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,2 triệu lượt, khách nội địa 6,1 triệu lượt. Tổng doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành cả năm đạt hơn 38 ngàn tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến tổng lượt khách lưu trú hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế 4,3 triệu lượt, tăng 11%. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 trên 40 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024. Trước mắt để đạt được mục tiêu này, trong quý 4/2024, Đà Nẵng sẽ công bố Bộ tiêu chí Văn hóa du lịch Đà Nẵng - Da Nang SMILE; Triển khai tổ chức các sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch đặc sắc như Lễ hội Noel - năm mới 2025; công bố Chiến dịch Da Nang Food Tour; triển khai đầu tư giai đoạn 2 chợ đêm Sơn Trà; Tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước khu vực các bãi biển, khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà và tuyến đường thủy nội địa quốc gia Sông Hàn; Triển khai chính sách thu hút khách du lịch MICE, du lịch cưới; các chương trình kích cầu thu hút khách dịp cuối năm, kích cầu thị trường khách Ấn Độ.
Năm 2025, ngành du lịch Đà Nẵng tập trung triển khai 3 khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển du lịch: sản phẩm du lịch, thị trường - đường bay và chất lượng dịch vụ. Với các đột phá trong việc xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch, thành phố kỳ vọng tăng trưởng thị trường khách nội địa, duy trì tăng trưởng thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan, mở rộng và khai thác thị trường khách Trung Quốc, Úc, Mỹ, Trung Đông, Uzerbekistan, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới. Xúc tiến đường bay Qatar, Úc, Osaka (Nhật Bản), tăng thêm đường bay mới từ Ấn Độ… Đối với đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ xây dựng, công bố và tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí "Chất lượng cao" trong hoạt động/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố…