Giảm mạnh phiên đầu tuần, VN-Index lùi về 1.210 điểm
Phiên chiều tiếp tục ghi nhận sự tiêu cực với gần 400 mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ khiến thị trường lùi sát về khu vực 1.210 điểm |
Theo thống kê, nhóm cổ phiếu dầu khí và bất động sản là 2 nhóm chịu sự điều chỉnh lớn nhất với mức giảm xấp xỉ 1,5%. Ở chiều ngược lại, chỉ có số ít các cổ phiếu thuộc nhóm thép và chứng khoán vẫn duy trì được sắc xanh le lói.
Phiên chiều tiếp tục ghi nhận sự tiêu cực với gần 400 mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ khiến thị trường lùi sát về khu vực 1.210 điểm. Áp lực bán về gần cuối phiên vẫn liên tục gia tăng và đã có lúc VN-Index lùi về quanh vùng điểm 1.200 điểm.
Đồng pha với dòng tiền khối nội, khối ngoại duy trì bán ròng xuyên suốt phiên với thanh khoản 492 tỷ, tập trung bán VPB, VRE, VIC. Kết phiên, VN-Index giảm 15,55 điểm, tương đương với 1,27%, xuống 1.211,81 điểm. Tương tự VN-Index, HNX-Index đóng cửa tại 250,48 điểm, giảm 2,28 điểm.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết phiên hình thành nến đỏ giảm điểm chạm đường trung bình động MA20. Xét về khung đồ thị giờ, tuy chỉ số chung xuất hiện nến hammer nhờ lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm nhưng vẫn chưa thể khẳng định đây sẽ là đáy ngắn hạn của thị trường.
Cả 2 chỉ báo quan trọng MACD và RSI ở khung đồ thị nêu trên đều vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa cho tín hiệu tạo đáy, bên cạnh đó, chỉ báo ADX và DI- đang có xu hướng dâng cao cho thấy thị trường vẫn có thể rung lắc mạnh trong các phiên tới trước khi cho điểm cân bằng.
“Trong các phiên tới, thị trường vẫn có thể xảy ra rung lắc, điều chỉnh và ngưỡng hỗ trợ gần nhất được xác định quanh khu vực 1.200 – 1.210 điểm. Trong trường hợp tích cực nếu lực cầu xuất hiện trở lại, thị trường vẫn sẽ cần từ 3 – 5 phiên để tìm lại điểm cân bằng. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng thay vì giải ngân bắt đáy sớm và chỉ duy trì tỉ trọng với những mã cổ phiếu vẫn đang thu hút được dòng tiền và giữ vững được vùng hỗ trợ”, đại diện VCBS cho hay.
Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia phân tích chứng khoán Đinh Thái Huyền Trang cho biết, tâm lý giới đầu tư trở nên mong manh sau phiên giảm điểm khá mạnh của chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần trước khiến VN-Index mở cửa với sắc đỏ, dù khối lượng giao dịch không lớn.
Các nhóm ngành hầu hết đều giao dịch dưới tham chiếu, kéo chỉ số giảm tới hơn 7 điểm sau giờ giao dịch đầu tiên. Càng về sau, đà giảm càng được nới rộng do lực cầu yếu, đặc biệt từ nhóm cổ phiếu Vn30. Tới gần cuối phiên chiều, VN-Index đã giảm tới 24 điểm và về sát vùng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, lực bắt đáy mạnh tại vùng hỗ trợ tâm lý, đặc biệt ở một số cổ phiếu thuộc các nhóm Chứng khoán, Thủy sản và Xây dựng như VHC, ANV, VND, CTD khiến chỉ số chung phục hồi về đóng cửa tại 1.211,81 điểm, thấp hơn 15,55 điểm so với tham chiếu. Nhóm Vn30 chỉ còn SSI và STB đóng cửa trên tham chiếu. Thanh khoản trên HoSE đạt mức 19.768,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên trước. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 477,39 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, bà Trang cho biết, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận phiên giảm tại Hàn Quốc và Hồng Kông, trong khi sắc xanh hiện diện tại Trung Quốc và Nhật Bản. Số liệu bán lẻ tích cực của Trung Quốc khiến các bluechips của thị trường này tăng điểm ấn tượng. Trong nước, VN-Index giảm 15,55 điểm khi 27/30 mã thuộc Vn30 đóng cửa trong sắc đỏ.
Về kỹ thuật, bà Trang cho rằng, VN-Index giảm 15,55 điểm sau khi đã phản ứng tích cực với hỗ trợ của MA50 là tín hiệu cho thấy xu hướng tăng điểm trung hạn vẫn chưa bị vi phạm. Tuy nhiên trong ngắn hạn, xác suất chỉ số quay lại đà tăng là không cao khi mốc hỗ trợ MA20 đã nằm trên giá đóng cửa, đồng thời MACD đã cắt xuống đường tín hiệu. Trong kịch bản tích cực, thị trường sẽ duy trì trạng thái đi ngang trong vùng 1.210-1.230 điểm trong các phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, chưa vội tham gia mua mới.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) thì ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 18/09/2023 tương ứng với diễn biến đi ngang.
Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận duy trì diễn biễn suy yếu trong bối cảnh chỉ số tục phải chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn với số mã cổ phiếu giảm giá áp đảo so với số mã tăng giá mặc dù mức giảm không lớn nhưng lại có tính chất lan tỏa cùng với thanh khoản thị trường suy giảm. Ngoài ra, chỉ số VN-Index đang cho thấy kịch bản chiều hướng hình thành vùng đi ngang biên độ 1.207 – 1.255 điểm.
Với diễn biến áp lực điều chỉnh vẫn còn hiện hữu, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục theo dõi đồng thời chỉ nên mở mua mới hoặc gia tăng vị thế nếu chỉ số VN-Index cho thấy phản ứng hồi phục và bật tăng điểm tốt tại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.222 điểm hoặc ngưỡng hỗ trợ trung hạn 1.197 điểm.