Giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần
Thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần đã và đang khá phổ biến tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, thói quen này lại đang để lại những hệ lụy khó lường cho môi trường... Điều này càng đáng quan ngại hơn khi Việt Nam đang xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Chúng ta đang là quốc gia có lượng rác thải cao hơn mức trung bình của thế giới do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.
Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250 nghìn tấn chất thải nhựa. Trong đó, 48 nghìn tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp), số còn lại được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường...
Rác thải đặc biệt rác thải nhựa đang để lại nhiều hệ lụy cho môi trường |
Với tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng ở Việt Nam, Chính phủ đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực này. Trong đó, tập trung thực hiện các chính sách quốc gia nhằm giảm nhựa sử dụng một lần và tìm kiếm các giải pháp thay thế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Mới đây, Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa cũng được Thủ tướng Chính phủ ban hành...
Đặc biệt, tháng 11/2020 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Trách nhiệm về tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu được quy định cụ thể tại Điều 147 và 148 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Bên cạnh những đổi mới về chính sách, cơ quan chức năng còn tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong giải quyết vấn đề ô nhiễm liên quan đến chất thải nhựa...
Song song với những nỗ lực của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng, cộng đồng DN trong cả nước cũng đang nỗ lực vào cuộc với sự tiếp sức của các tổ chức nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, Quỹ Pepsico đã thông qua tổ chức Give2Asia tài trợ dự án: “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”. Dự án này do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện từ tháng 1/2020 và dự kiến kết thúc vào tháng 6/2022. Một trong những mục tiêu trọng tâm của dự án là nhằm, nâng cao nhận thức đối với các DNNVV ở Việt Nam, trong việc quản lý và xử lý rác thải nhựa, tìm kiếm các giải pháp đổi mới, hướng tới sản xuất và kinh doanh bền vững thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn...
Theo bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển, dự án tập trung nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho hai nhóm đối tượng chính là DNNVV, các bạn trẻ và các nhà lãnh đạo trẻ. Đối với DN, CED hợp tác với VCCI và các hiệp hội DN nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa đang ngày càng tăng và khuyến khích họ giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động của DN và trong gia đình người lao động. Chúng tôi cũng hợp tác với các hiệp hội DN để thảo luận, trao đổi cùng tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm thay thế, giảm thiểu và tái sử dụng rác thải nhựa trong ngành bao bì.
Với mục đích, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các DNNVV, dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” sẽ phối hợp với các đối tác thực hiện một chuỗi các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần trong khu vực tư nhân để nhựa không còn là rác thải. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà nhiều DN và các tổ chức hướng tới, nhằm mang lại sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn cho các DN và nền kinh tế mà không để lại tác động tiêu cực về xã hội và môi trường.
Việc các DN trong nước tham gia dự án này không chỉ góp phần cùng xã hội bảo vệ môi trường, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh của DN có trách nhiệm với khách hàng, đối tác, cộng đồng...
Mới đây, tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa cho DNNVV Việt Nam”, vừa được tổ chức tại TP. Đà Nẵng do CED, VCCI chi nhánh Đà Nẵng và PepsiCo Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Lê Trung Thông - đại diện Công ty cổ phần Lagom Việt Nam chia sẻ, DN luôn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa. Nếu làm tốt, rác nhựa cũng là một tài nguyên. Để làm được điều này, ngay từ đầu vào, rác thải nhựa phải được phân loại thật tốt. Đến nay, Lagom Việt Nam đã lựa chọn thu gom và tái chế rác thải, giải quyết mối nguy hại cho sức khoẻ của con người. Từ đó, sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với trẻ em, cây xanh, sức khoẻ và môi trường...
Tương tự ông Sudipto Mozumdar - Tổng Giám đốc PepsiCo Việt Nam cũng cho biết, PepsiCo đặt ra các cam kết toàn cầu mạnh mẽ hướng đến việc đạt được các mục tiêu bao bì bền vững vào năm 2025. Theo đó, 100% bao bì của các sản phẩm được thiết kế để có thể tái chế, phân hủy và phân hủy sinh học; đồng thời cũng tăng hàm lượng tái chế lên 25% trong bao bì nhựa của các sản phẩm, giảm 35% nhựa nguyên sinh trong danh mục các sản phẩm đồ uống. PepsiCo luôn đặc biệt quan tâm về mối đe dọa ngày càng tăng mà chất thải bao bì gây ra cho cộng đồng và môi trường biển. Để thực sự mở rộng một tương lai tuần hoàn cho vật liệu nhựa, sẽ đòi hỏi sự đổi mới và hợp tác ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị ngành nhựa.
PepsiCo đang làm việc với nhiều đối tác, đầu tư và ủng hộ việc cải thiện cơ sở hạ tầng tái chế, cũng như giáo dục và tích cực trao quyền cho người tiêu dùng để hướng tới việc quản lý nhựa một cách bền vững nhất.