Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Giảm thiểu rủi ro thanh khoản
Giờ G đã điểm
Từ ngày 1/10/2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%.
Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này chính là lúc các ngân hàng cần phải cải thiện các chỉ số tài chính tốt hơn để đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ quốc tế sau một thời gian phải tạm hoãn để tạo dư địa cho các TCTD hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch. Theo đó trong hơn hai năm qua, trước tác động của dịch bệnh Covid đối với nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh như hỗ trợ giảm lãi, phí… Và để hỗ trợ TCTD thực hiện các chính sách này, NHNN lùi lại thời hạn áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Cụ thể, tháng 8/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn theo Thông tư 22 được lùi lại một năm.
Các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn |
Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Thông tư 22 đã được ban hành với lộ trình rõ ràng, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc, dứt khoát đến tháng 10/2022 các ngân hàng phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt tỷ lệ 34% như quy định. “Tôi rất ủng hộ quan điểm của NHNN trong việc không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22 nữa. Chỉ có như vậy hoạt động thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được”, TS. Hùng nói.
Trên thực tế, các ngân hàng đều đã có sự chuẩn bị cho việc này. Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho biết, thời gian qua VIB đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng quy định này của NHNN.
“Trả lại” vai trò kênh cấp tín dụng ngắn hạn cho ngân hàng
Về phía NHNN, trong những năm qua các giải pháp điều hành của cơ quan quản lý đều hướng đến nâng chuẩn chỉ số tài chính để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định của hệ thống TCTD. Vì thế, NHNN đã có lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong 2 năm qua đã bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Như vậy, các ngân hàng đã có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định của NHNN.
TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, đến lúc phải thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Một chuyên gia ngân hàng khác cũng đồng tình cho rằng, huy động vốn ngắn hạn hiện chiếm trên 80% vốn huy động của ngân hàng trong khi nhu cầu vay trung, dài hạn rất lớn, đặc biệt là dư nợ cho vay bất động sản hầu hết có kỳ hạn dài. Chênh lệch lớn về kỳ hạn gây rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Vì thế, việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để kiểm soát rủi ro là cần thiết.
“Nhu cầu của nền kinh tế không chỉ vốn ngắn hạn mà cả vốn trung, dài hạn. Vốn ngân hàng chỉ nên tập trung vào cung ứng vốn ngắn hạn. Còn trung dài hạn phải phụ thuộc vào thị trường vốn như phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế phát triển kênh trái phiếu, thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới là yếu tố then chốt để thúc đẩy thị trường vốn phát triển bền vững”, vị chuyên gia chia sẻ thêm.
Mong muốn trên có thể thực hiện được khi mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với nhiều quy định rõ ràng nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường, từ đó sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay. Trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn.
Song đó là kỳ vọng trong tương lai, vì để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại còn mất nhiều thời gian nữa. Bởi để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau những vụ việc như Tân Hoàng Minh không thể một sớm một chiều. Chưa nói đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, hay chưa đủ uy tín, tên tuổi để phát hành trái phiếu…
Còn trước mắt, điều cần làm bây giờ của các ngân hàng là phải chuẩn bị sẵn sàng để chờ tới “giờ G”. Ông Vũ Thành Trung - Thành viên Ban điều hành MB cho biết, sau khi nhận được thông tin từ NHNN, MB đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ vấn đề này, đặc biệt là cấu trúc các kỳ hạn huy động từ MB đối với khách hàng. Hiện tại, MB đang có lượng khách hàng giao dịch qua kênh ngân hàng số rất lớn, với tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt 98% trên tổng số giao dịch toàn hệ thống MB. Do đó, ngân hàng sẽ điều chỉnh lại các kỳ hạn huy động trung – dài hạn trên các nền tảng số của MB sao cho cấu trúc huy động vốn phù hợp với quy định hiện hành của NHNN.
Nhìn về dài hạn, ông Lê Quang Trung đề xuất, khi các ngân hàng áp dụng chuẩn Basel III, NHNN có thể xem xét không áp dụng tỷ lệ này nữa. Vì mục tiêu cuối cùng của quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là đảm bảo thanh khoản hệ thống. Mà ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel III có nghĩa họ đã quản trị rủi ro thanh khoản theo chuẩn quốc tế. Về mặt kỹ thuật, mô hình quản trị thanh khoản này đa chiều, tiên tiến hơn có thể ngăn chặn rủi ro thanh khoản, hạn chế tổn thất xảy ra đối với ngân hàng.