Giáo dục tài chính dễ hiểu, dễ nhớ, dễ lan tỏa
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi họp báo |
Ngày 08/8/2022, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2.
Chương trình đạt nhiều phản hồi tích cực
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN cho biết, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, góp phần chuyển đổi số quốc gia, NHNN đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”...
Do tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực có tính chuyên môn cao nên hoạt động truyền thông thường gặp 4 vấn đề - “4 khó”: khó hiểu - khó nhớ - khó làm theo - khó lan tỏa. Để khắc phục điều này, truyền thông của NHNN đã thực hiện “4 dễ” “dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm theo - dễ lan tỏa”.
Mục tiêu của chương trình “Tay hòm chìa khoá” hướng tới là thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam, từ đó tạo ra một cộng đồng tài chính tốt, có văn minh trong việc sử dụng tài chính.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định: Đài THVN luôn coi nội dung tuyên truyền chính sách, quy định pháp luật, hoạt động tài chính tiền tệ là quan trọng |
Đối tượng khán giả của các chương trình là mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phụ nữ, những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...
Theo đó, nội dung kiến thức, thông tin liên quan được đơn giản hóa, hình thức liên tục được đổi mới, sáng tạo và phương tiện truyền thông luôn đa dạng, phong phú để các chương trình trở nên thu hút, gần gũi với nhiều đối tượng, tiếp cận được tới đông đảo người dân trên khắp cả nước.
Chương trình hướng tới việc cung cấp những thông tin, kiến thức mà người dân cần, thay vì những thông tin, kiến thức mà NHNN có đơn cử như những vấn đề được bà con rất quan tâm như: Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hay mở thẻ ngân hàng ở đâu, cách gửi tiết kiệm ngân hàng, tín dụng cho học sinh sinh viên, phụ nữ nghèo, tiếp cận Mobile Money như thế nào… các hình thức lừa đảo tài chính hiện nay.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) chia sẻ, sau khi phát sóng nội dung về thông tin tín dụng trong chương trình “Tay hòm chìa khóa”, số liệu thống kê của CIC cho thấy, lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới cũng như số lượng người dân cần được tư vấn, hỗ trợ tránh lừa đảo, đánh cắp thông tin rất nhiều. Hiệu quả của chương trình không chỉ cho người dân mà bản thân các TCTD cũng được lợi, khi người dân, doanh nghiệp có nợ xấu sẽ tự động mang đến trả ngân hàng.
Đại diện NHTMCP Bắc Á cho rằng, trước đây, từ phía ngân hàng để tham gia một chương trình giáo dục tài chính rất khó nhưng giờ đã có nhiều chương trình hơn như “Tay hòm chìa khoá”, “Tiền khéo tiền khôn”… khách hàng được xem trực quan và sẽ hiểu rõ hơn về các nghiệp vụ ngân hàng, từ đó tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của người dân.
Chú trọng truyền thông trên các nền tảng số
Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhận định, sau một năm nhìn lại, có thể thấy, bám sát mục tiêu “bán những gì khán giả cần” chứ không “bán những gì chúng ta có”, Vụ Truyền thông NHNN đã có nhiều cách làm tốt để truyền tải thông điệp tới người dân, doanh nghiệp, trong đó có chương trình “Tay hòm chìa khoá”. Qua chương trình này, nhiều người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, DN siêu nhỏ đã biết hơn về các dịch vụ sản phẩm của ngân hàng.
Trong thời gian tới, để truyền thông có hiệu quả cao hơn, Phó Thống đốc cho rằng chương trình cần cải thiện một số điểm như: Nâng cao việc áp dụng công nghệ mới, sinh động, hấp dẫn người xem hơn, tuyến nhân vật phong phú, nội dung truyền thông cần đa dạng hơn.
Đặc biệt, thông qua chương trình, tuy người dân đã biết đến dịch vụ ngân hàng nhưng cần làm thế nào để người dân làm theo, đơn cử như có những clip hướng dẫn chi tiết hơn về tra cứu lịch sử tín dụng, cách mở thẻ… đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Theo Phó Thống đốc, khi nói đến tài chính toàn diện, là mọi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản với một chi phí hợp lý, được cung cấp bởi tổ chức có trách nhiệm và bền vững. Dịch vụ tài chính cơ bản là thanh toán, chuyển tiền, tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm… trong thời gian vừa qua, chương trình đã hướng tới dịch vụ tài chính cơ bản nhưng vẫn chưa đồng đều, cần có phương pháp để tất cả các các dịch vụ tài chính cơ bản được truyền thông đầy đủ, toàn diện hơn.
Thứ hai, đối tượng của tài chính toàn diện là mọi người dân doanh nghiệp nhưng trọng tâm là người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo, là nhóm đối tượng ít được tiếp cận với dịch vụ tài chính cơ bản, với doanh nghiệp là chú trọng DNNVV, DN siêu nhỏ, Phó Thống đốc nhấn mạnh chương trình cần tiếp tục quan tâm hơn tới đối tượng này.
“Trong thời gian vừa qua, trước tình trạng tín dụng đen phát triển, các cấp các ngành cũng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng vẫn nhiều người dân, công nhân khu công nghiệp vay tín dụng đen và dẫn đến nhiều hệ luỵ. Vì vậy, chương trình phải chú trọng quan tâm tới các đối tượng này, giúp các đối tượng này biết tới sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, để đạt được sự hiệu quả, thiết thực, lan toả hơn nữa”, Phó Thống đốc đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp gần đây cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa NHNN và Đài Truyền hình Việt Nam khi cùng có những chương trình tốt, hay, đóng góp hiệu quả cho chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Về phía Đài THVN luôn coi nội dung tuyên truyền chính sách, quy định pháp luật, hoạt động tài chính tiền tệ là quan trọng, Đài luôn cố gắng để chương trình tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, sao cho tương xứng với vai trò quan trọng của ngành Ngân hàng – huyết mạch của nền kinh tế, lĩnh vực liên quan sát sườn đến người dân, doanh nghiệp, được cộng đồng xã hội rất quan tâm.
Thời gian qua, các chương trình giáo dục tài chính đã có chuyển biến và bước tiến rõ nét như “Tiền khéo tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khoá”… minh chứng cho sự thành công của chương trình là tỷ lệ người xem rất cao.
Tại mùa 1 với cách thức tuyên truyền gần gũi, giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu, sáng tạo đã làm các tập phát sóng của chương trình “Tay hòm chìa khoá” dễ hiểu, giàu cảm xúc, tạo sự khác biệt với các chương trình khác và sức hút với khán giả. Đó là nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ thực hiện chương trình, sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa Vụ Truyền thông NHNN và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, đây là mô hình kết hợp hiệu quả nhất của Đài với các cơ quan, đơn vị.
Trong thời gian tới, NHNN và Đài truyền hình Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả, tiếp thu những ý kiến xác đáng của Phó Thống đốc NHNN để chương trình có sức lan tỏa hơn nữa, tăng cường tuyên truyền trên nền tảng số và có đánh giá kết quả tuyên truyền trên nền tảng số.
“Tay hòm chìa khóa” mùa 2 sẽ phát sóng số đầu tiên vào 20h55 ngày 12/8/2022 trên kênh VTV1. Tiếp nối mùa 1, chương trình mùa 2 sẽ bám sát hơn nữa nhu cầu thông tin của người dân, những vấn đề người dân quan tâm như: Các chính sách hỗ trợ người dân sau COVID-19; các hình thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ số, ngân hàng số, quy trình và lưu ý khi gửi tiết kiệm... Từ đó, giảm thiểu tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính… |