Gỡ khó cho chi thường xuyên
Xây dựng hành lang pháp lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước |
Dự kiến bố trí dự toán chi đầu tư phát triển là 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 31% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, theo phản ánh từ các bộ, ngành và địa phương, việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất quy mô nhỏ sử dụng vốn đầu tư công gặp nhiều bất cập do không có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn. Luật Ngân sách nhà nước không cấm sử dụng chi thường xuyên để mua sắm tài sản, nhưng cũng chưa có quy định phân định rõ ràng giữa chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động này. Trong khi đó, việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng đang tồn tại nhiều điểm nghẽn. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho chi ngân sách thường xuyên năm 2025.
Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, mục tiêu của pháp luật là giúp làm việc một cách khách quan, công minh, công bằng và đáp ứng một cách phù hợp nhất với nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, cuộc sống luôn vận động với rất nhiều thay đổi; công cụ pháp luật đôi khi có thể đi chậm, chưa phù hợp hoặc có thể chồng chéo hay quy định quá chi tiết. Điều này khiến những người thực thi, vì phải tuân thủ pháp luật, nên không thể có những quyết định hợp lý, phù hợp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển tốt hơn.
Trước những bất cập cần được giải quyết sớm nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước lần này, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ. Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên như chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng...
Phó Thủ tướng cho rằng việc đề xuất như vậy là rất phù hợp. Đặc biệt, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành rất kịp thời và đáp ứng được ngay nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những yêu cầu phát sinh đang vướng mắc trong những năm qua. Nghị định thể hiện tinh thần đồng hành của cơ quan quản lý. Từ đây, các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.