Hà Nội: “Cánh chim đầu đàn” triển khai hiệu quả tín dụng chính sách
Quả ngọt từ ủy thác vốn tín dụng chính sách Tín dụng chính sách - điểm tựa giúp người dân vượt khó, thoát nghèo Cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 100% kế hoạch |
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP. Hà Nội, đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 14.196 tỷ đồng, tăng 1.422 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 7.759 tỷ đồng, tăng 841 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 168% kế hoạch tăng trưởng, duy trì vị trí “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống NHCSXH về huy động nguồn vốn ủy thác tại địa phương.
Không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố trong việc ủy thác nguồn vốn qua NHCSXH, 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đều quan tâm bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH, trong đó: Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng 10 tỷ đồng; Nam Từ Liêm 6 tỷ đồng; Quốc Oai, Mê Linh, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân 5 tỷ đồng; Long Biên 4 tỷ đồng; Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy 3 tỷ đồng...
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với chi nhánh TP. Hà Nội |
Tính đến ngày 31/12/2023, bình quân một Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, quận có số dư vốn nhận ủy thác từ ngân sách cùng cấp là 30 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị có số dư nguồn vốn nhận ủy thác cao nhất là Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm đạt 108,4 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Quyết - Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội cho biết, kết quả này cho thấy hiệu quả rõ nét công tác tham mưu của chi nhánh với cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trọng tâm là tăng cường nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH để bổ sung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đặc biệt là các dự án tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thủ đô.
Chi nhánh cũng đã chủ động tham mưu UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, đồng thời ban hành Kế hoạch triển khai tại NHCSXH TP. Hà Nội với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, chất lượng tín dụng để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp các sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, giúp chi nhánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Doanh số cho vay của chi nhánh năm 2023 đạt 5.311 tỷ đồng, với trên 107.176 lượt khách hàng vay vốn.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và đoàn công tác NHCSXH Trung ương thăm, động viên công tác quyết toán cuối năm 2023, tại NHCSXH TP. Hà Nội |
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến hết năm 2023 đạt 14.161 tỷ đồng, với 266.768 khách hàng đang vay vốn, tăng 1.430 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 11,2%. Trong đó, dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 7.427 tỷ đồng, tăng 792 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 52% trên tổng dư nợ. Tín dụng tăng trưởng tập trung vào cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tăng 1.554 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 150 tỷ đồng và cho vay nhà ở xã hội đạt 51 tỷ đồng.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, trong năm 2023 toàn thành phố có 107.176 lượt khách hàng được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH. Trong đó, có 87 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 80.507 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 84.000 lao động; hỗ trợ vốn cho 296 lượt học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập, 5 lượt học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ kinh phí cho 26.064 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 52.091 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay 22 lượt cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; 20 khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất, kinh doanh theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ...
Nguồn vốn chính sách đã góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt NHCSXH TP. Hà Nội mới đây, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của toàn thể cán bộ, người lao động chi nhánh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ NHCSXH và thành phố giao. “Chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội tiếp tục là cánh chim đầu đàn của hệ thống trên tất cả các mặt hoạt động. Một điển hình có nhiều sáng tạo trong thực thi tín dụng chính sách xã hội để các chi nhánh trong hệ thống học hỏi và noi theo”, Tổng Giám đốc nhận định.
Đồng thuận với báo cáo của chi nhánh là mức cho vay bình quân đối với 1 khách hàng trên địa bàn thành phố hiện nay còn thấp so với nhu cầu thực tế của người dân. Một số phường trong quận nội thành có dư nợ thấp, chưa tương xứng với nhu cầu của người dân và tình hình thực tế của địa bàn.
Thông qua nguồn vốn chính sách, năm 2023 đã góp phần thu hút và tạo việc làm cho 84.000 lao động trên địa bàn thành phố |
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng chỉ ra, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn rất thấp và tập trung ở các huyện ngoại thành, dư nợ hộ nghèo và hộ cận nghèo đã giảm mạnh trong năm 2023 và sẽ còn tiếp tục giảm sâu. Tuy nhiên, điều này không làm giảm trọng trách của chi nhánh trong việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn khi nhu cầu cho vay giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập còn rất lớn. Thu nhập bình quân của nông dân dự kiến đạt 70 triệu đồng/người/năm trong năm 2023, tuy cao so với cả nước nhưng chỉ bằng 1/2 thu nhập bình quân của người dân thủ đô Hà Nội. Điều này đòi hỏi chi nhánh cần có những giải pháp để tạo bước đột phá mới trong công tác tín dụng chính sách nhằm giải quyết bài toán này.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội cần tiếp tục chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg. Đặc biệt là tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tổ chức thành công tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Sớm tham mưu cho UBND thành phố xem xét đưa nội dung triển khai tín dụng chính sách gắn với bố trí vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua NHCSXH vào Luật Thủ đô và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ của thành phố.
Tiếp tục tham mưu UBND các cấp sớm chuyển vốn ủy thác năm 2024 theo quyết định bố trí vốn đã ban hành, đồng thời tham mưu cân đối ngân sách chuyển bổ sung vốn qua NHCSXH trong năm 2024 và 2025, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực vào năm 2030.
Năm mới 2024, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chúc cán bộ, người lao động chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đoàn kết, vui tươi và có nhiều sức khoẻ để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Trung ương, thành phố giao.