Hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất vùng miền
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ra khắp các nước trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu... và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã và tiếp tục đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường ở cả thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Hiện nhiều khách hàng đang rất quan tâm đến các đặc sản địa phương |
Theo đó, bộ đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị trực thuộc, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục như hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Năm 2022 trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” với quy mô lớn theo ba khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Trong đó, chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu là hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp đến từ 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, quy mô gấp 5 lần so với năm 2020, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài cũng như tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sự quan tâm cao nhất của UBND các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần làm nên thành công cho chương trình. Từ đó, tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền thành một hoạt động phối hợp thường xuyên liên vùng, liên địa phương, góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả.
Cũng về vấn đề này, theo ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên, những năm qua, tỉnh đã phát huy lợi thế, khắc phục những khó khăn hạn chế để thiết lập các quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa và trao đổi thương mại biên giới với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời thu hút hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Một số sản phẩm sản xuất tại Điện Biên như xi măng, chè tuyết shan, cà phê, cao su, nông sản và thực phẩm chế biến đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và xây dựng khu vực biên giới hòa bình ổn định và phát triển.
Còn Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op Trần Lâm Hồng chia sẻ, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nhưng Saigon Co.op vẫn duy trì khai thác xuất khẩu gần 70 tỷ đồng các loại nông sản thực phẩm chế biến của Việt Nam. Tại khu vực miền Bắc, hiện Saigon Co.op đang khai thác hàng của gần 100 nhà cung cấp với nhiều nhóm hàng rau, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, trứng… Tổng lượng hàng cung ứng cho hệ thống Saigon Co.op xấp xỉ 5.000 tấn/năm với doanh số trên 150 tỷ đồng, với các nhóm hàng chính là rau và trái cây.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, nhiều mặt hàng Việt Nam đã xâm nhập được vào thị trường Nhật tuy với thị phần chưa cao. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm cùng với đó tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Ngoài ra, cần tích cực tìm thông tin, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu hàng hóa sản phẩm của mình với các khách hàng nước ngoài. Hoặc có thể theo dõi thông tin và tham gia các buổi hội thảo – giao thương trực tuyến để tìm kiếm thêm cơ hội và đối tác.