Hóa giải nút thắt vốn cho tăng trưởng xanh
Hội tụ điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh
Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%. Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững. Bà Lan cũng cho biết, nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022).
Nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. |
Ở góc độ chính sách tổng thể, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, chính sách, định hướng phát triển tài chính xanh cũng như về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Về các chính sách cụ thể, TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, chính sách thu ngân sách phát huy hiệu quả, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chính sách động viên ngân sách nhà nước được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng; qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Về chính sách chi ngân sách nhà nước, cơ quan nhà nước đã hoàn thiện các quy định ưu tiên chi đầu tư và chi thường xuyên cho mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng các chương trình, chiến lược và các kế hoạch hành động quốc gia liên quan tăng trưởng xanh; hoàn thiện các quy định về mua sắm công trong sử dụng các sản phẩm dán nhãn năng lượng, dán nhãn xanh bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh từng bước được hình thành; Một số chính sách tài chính xanh khác (bảo hiểm xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon) cũng được ban hành.
Bàn về góc độ phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán đến năm 2030, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”. Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào 2 nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Về thực trạng huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, tuy nhiên, lượng trái phiếu xanh phát hành còn hạn chế, vì thị trường vẫn đang trong giai đoạn mới và chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm.Nguyên nhân chủ yếu như nhiều dự án xanh có quy mô nhỏ chưa đáp ứng các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới; nhiều tổ chức phát hành (các bộ, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp...) vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu xanh; số lượng ít các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian như tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức kiểm định để xác định dự án có thực sự “xanh”, tổ chức đánh giá độc lập…
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023. Về trái phiếu xanh, giai đoạn 2016-2020, đã có có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019- 6T/2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh (trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023).
Từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã chỉ rõ một số khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tài chính xanh. Đó là: Thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh; chi phí tài chính thực tế; tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng; Các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng; Các dự án quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài; rủi ro về chênh lệch tỷ giá.
Nâng cao khả năng huy động vốn và sử dụng hiệu quả các công cụ tài chính xanh
Theo các chuyên gia Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất 10 nhóm chính sách/giải pháp. Trong đó ông khuyến nghị cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển KT-XH. Chính phủ sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh; Ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..), đầu tư CSHT “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….) khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng). Bên cạnh các hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có…) cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”, cần sớm nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”; Xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh; Thành lập thị trường tín chỉ Carbon. Thu hút nhân lực gắn với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa (bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư/nhà băng, nhà trường…); Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu…
Ở góc độ ngành tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Nga đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Rà soát tổng thể các chính sách ưu đãi về thuế, dành sự ưu tiên lớn hơn cho các dự án tăng trưởng xanh, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực khi được đầu tư sẽ tạo ra các “ngoại ứng tích cực” cho nền kinh tế trong việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh.
Bà cũng đề xuất tăng chi thường xuyên cho sự nghiệp BVMT vì mục tiêu tăng trưởng xanh. Nguồn để tăng chi cho BVMT từ việc tăng cường huy động nguồn thu qua các sắc thuế BVMT, phí BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên. “Về cơ bản và lâu dài, nguồn lực tài chính cho BVMT phải dựa vào đầu tư, đóng góp của những người khai thác, sử dụng môi trường (doanh nghiệp, dân cư)” bà nhấn mạnh. Đồng thời rà soát đầu tư công làm nền tảng, cơ sở cho huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư tăng trưởng xanh. Rà soát, phối hợp các chương trình, đề án, nguồn vốn (ODA, đầu tư tư nhân..) có mục tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh tăng cường hiệu quả chính sách. Hoàn thiện các quy định về mua sắm công xanh, chẳng hạn hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái, nhãn năng lượng trong Luật Đấu thầu, Luật đầu tư công hoặc ban hành quy chế mua sắm công xanh đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh phát triển, trong đó từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư với sức cầu ổn định, chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội là một trong những biện pháp quan trọng góp phần vào sự thành công của thị trường vốn xanh. Hỗ trợ thị trường bảo hiểm xanh phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, và đạt được mục tiêu phát triển bảo hiểm xanh như đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030…