Hoàn thiện hành lang pháp lý hoạt động của các tổ chức tín dụng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp thu, giải trình tại phiên thảo luận |
Hạn chế rủi ro, song không phải là “cây đũa thần”
Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định trong dự án Luật về điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại các tổ chức tín dụng; mở rộng thêm các đối tượng liên quan là cần thiết. “Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền lực, quyền tự quyết quá lớn, từ đó hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức tín dụng theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, ngược lại làm tổn hại đến lợi ích của tổ chức tín dụng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng”, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo đại biểu, trên thực tế vẫn có thể tồn tại việc các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh tại Hội đồng quản trị và Ban điều hành nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động của tổ chức tín dụng. Cho nên, “tôi thấy cần nghiên cứu bổ sung 2 vấn đề: Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của NHNN để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, lạm quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng; Hai là, cần nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần nhằm tạo nhóm cổ đông lớn để thao túng các tổ chức tín dụng”, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề xuất.
Cũng cho rằng trong thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) băn khoăn quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần có giải quyết căn cơ được vấn đề này trong thực tiễn.
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật được thiết kế như vậy nhằm hướng đến hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, dự thảo Luật không chỉ giảm tỷ lệ sở hữu mà còn mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định về người có liên quan tại Luật Doanh nghiệp.
Nhưng theo Thống đốc, bên cạnh việc quy định trong Luật, vấn đề còn là tổ chức thực hiện. Bởi trong thực tiễn thì rõ ràng vẫn có thể có các cổ đông nhờ những người có liên quan đứng tên nhưng ngân hàng không thể nắm được. Do đó, quy định như Dự thảo Luật chỉ là một cách để hạn chế, còn muốn giải quyết được vấn đề này đòi hỏi rất nhiều công cụ, giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau.
Chẳng hạn như khi chúng ta minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư hay là cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp thì lúc đó sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành sẽ giúp minh bạch hóa được các giao dịch, những vấn đề này cũng sẽ ngày càng được hạn chế. “Với quy định như Dự thảo Luật, nếu như các cổ đông thực hiện đúng thì cũng đã hạn chế được nhiều rủi ro đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, còn triệt để đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ hơn nữa”, Thống đốc nhấn mạnh.
Luật hóa Nghị quyết 42
Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm là việc Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng. Bày tỏ sự nhất trí về việc cần phải Luật hóa Nghị quyết 42, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục bổ sung, làm rõ các cơ chế, quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán nợ xấu…
Giải trình về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 ra đời với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho XLNX và thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh; thông qua Nghị quyết 42 tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay và qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.
Trên thực tế quá trình XLNX, một vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản đảm bảo. Do vậy Dự thảo Luật đã quy định là việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn với thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ thì tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản đảm bảo đó và xử lý tài sản đảm bảo đó để thu hồi nợ.
Theo Thống đốc, các tổ chức tín dụng chỉ là trung gian tài chính, tiền mà các tổ chức tín dụng dùng để cho vay thực chất là tiền của người gửi tiền nên yêu cầu tiên quyết đối với việc cho vay là phải thu hồi được vốn. Bởi vậy các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo pháp luật. "Nếu không có quy định này sẽ khiến các tổ chức tín dụng e ngại khi quyết định cấp tín dụng. Bởi ngay cả khi có tài sản đảm bảo, nhưng các tổ chức tín dụng không chắc chắn có xử lý được hay không, thì có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân”, Thống đốc nói.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng |
Về thứ tự ưu tiên thanh toán, rất đồng tình với các ý kiến của một số đại biểu, Thống đốc cho biết so với Nghị quyết 42, Dự thảo Luật đã điều chỉnh hài hòa lợi ích của các bên. Theo đó Dự thảo Luật quy định theo hướng vẫn cho phép thu án phí liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo cũng như các khoản thuế liên quan đến giao dịch của chính tài sản đó thì vẫn được thu trước tiên. "Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và quy định cho rõ ràng hơn”, Thống đốc nói.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình việc xem xét thông qua dự thảo Luật trong hai kỳ họp và cũng có một số đại biểu cho rằng nên thông qua trong 3 kỳ họp. Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 được gia hạn đến ngày 31/12/2023, nên nếu để dự thảo Luật đến 3 kỳ thì sẽ có khoảng trống pháp lý về XLNX đối với hoạt động ngân hàng. “Từ lý do trên, cơ quan soạn thảo trân trọng kính mong Quốc hội xem xét là 2 kỳ. Về phía cơ quan soạn thảo, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện luật làm sao thông qua được ở kỳ họp thứ 2”, Thống đốc bảy tỏ.