Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD
Tạo thuận lợi cho các TCTD trong cho vay đối với khách hàng Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD và xử lý nợ xấu |
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp, chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Anh, các ngân hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu ngày càng gia tăng và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) cao. Các biện pháp của NHNN và Chính phủ đã góp phần giảm nhẹ tác động của những thách thức này. Tuy nhiên, cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô cũng như đẩy nhanh cải cách để duy trì tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
“Việt Nam cần cân nhắc cải cách trong giám sát ngân hàng, bởi lẽ giám sát tài chính hiện nay là một nhiệm vụ chính sách công đa diện với nhiều mục tiêu, gồm: ổn định tài chính, giải quyết rủi ro hệ thống; bảo vệ người tiêu dùng tài chính (giải quyết thông tin bất đối xứng); tính toàn vẹn của thị trường tài chính (giải quyết các hành vi gian lận và tội phạm)”, ông Tuấn khuyến nghị.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, vấn đề ông quan tâm nhất trong dự thảo luật là kỷ luật thực thi luật pháp. Lực lượng thanh tra, giám sát ngân hàng hiện nay có số lượng quá ít so với các nước trong khu vực cũng như các nước khác. Số lượng ít, công việc nhiều nên ít có cơ hội tiếp cận với những nghiệp vụ hiện đại để nhanh chóng đưa ra được những cảnh báo sớm. Một vấn đề quan trọng khác là cơ quan giám sát của Việt Nam không có chức năng điều tra nên nguồn gốc tiền góp vốn ngân hàng từ đâu cũng không biết được. Ông đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự án luật.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, khi thiết kế xây dựng Luật Các TCTD sửa đổi, cơ quan soạn thảo có rất nhiều mục tiêu, một trong những mục tiêu được đề cập nhiều nhất liên quan đến ngăn ngừa và chống thao túng trong hoạt động ngân hàng.
Phó Thống đốc khẳng định, không có mô hình hệ thống tài chính - ngân hàng của quốc gia nào phù hợp hoàn toàn với Việt Nam nên khó có thể sao chép được một mô hình nào đó vào điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, cách tiếp cận của NHNN là nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra giám sát để ngăn ngừa, kiểm soát rủi ro của hệ thống các TCTD. “Chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý hợp lý, phù hợp để ngăn ngừa cũng như xử lý được những rủi ro mang tính hệ thống, rủi ro của từng TCTD, đặc biệt trong những hoạt động khu vực có nhiều rủi ro”, Phó Thống đốc nói.
Cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để ngăn ngừa rủi ro |
NHNN cũng sẽ tiến hành đại chúng hóa toàn diện TCTD ở cả ba khâu. Thứ nhất, chủ sở hữu, cổ đông của các ngân hàng này phải thực sự đại chúng. Nếu cổ đông và nhóm cổ đông có liên quan đến nhau khiến tổng số cổ phần họ sở hữu có thể kiểm soát được TCTD thì sẽ không thể có đại chúng. Vì vậy, sẽ không có giải pháp riêng lẻ nào hoặc nhóm giải pháp nào có thể xử lý triệt để tình trạng thao túng thông qua tỷ lệ sở hữu. Theo tính toán của NHNN, việc hạ tỷ lệ sở hữu sẽ gây khó khăn rất nhiều lần cho việc thao túng vì nếu nhờ một người sẽ khác với nhờ 3-4 người đứng tên. NHNN cũng đã đánh giá kỹ tác động của câu chuyện này đối với từng ngân hàng và cho thấy tỷ lệ sở hữu vượt trên 3% không tác động quá lớn, nhưng sẽ giúp làm giảm thiểu hơn nguy cơ dùng câu chuyện sở hữu để thao túng hoạt động của một TCTD cổ phần.
Thứ hai, NHNN quan tâm hơn nữa ở góc độ đại chúng hóa công tác quản trị của TCTD, nghĩa là phải tách biệt được các khâu quản trị trong một ngân hàng, đặc biệt ở bộ phận quản trị điều hành cũng như hạn chế thấp nhất những người có liên quan tham gia vào Hội đồng quản trị, tham gia vào cơ cấu cấp tín dụng và các cơ cấu khác có tạo ra rủi ro cho ngân hàng… NHNN cũng đã sửa đổi nhiều quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khâu quản trị mang tính đại chúng hơn.
Thứ ba là khâu dòng tiền ra trong hoạt động của một NHTMCP, lớn nhất chính là hoạt động cấp tín dụng. Có ý kiến cho rằng, nếu giảm hạn mức cấp tín dụng với một khách hàng sẽ làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng ở một giá trị lớn của một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có liên quan. Tuy nhiên, NHNN cho rằng, cần tiếp cận ở góc độ ngược lại, theo đó, nếu giảm hạn mức này sẽ giúp gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các nhóm doanh nghiệp khác, các cá nhân khác.
Theo NHNN, xử lý câu chuyện vốn và nhu cầu vốn lớn trong dự án luật cũng đã có cơ chế. Nếu doanh nghiệp thực sự có nhu cầu vốn lớn, NHNN khuyến khích nhiều ngân hàng cấp tín dụng cho một khách hàng doanh nghiệp. Nếu thực hiện được cơ chế này, rủi ro sẽ phân tán hơn, bên cạnh đó, mức độ kiểm soát cũng dễ dàng và chặt chẽ hơn khi nhiều ngân hàng tham gia vào quá trình thẩm định, giám sát thực hiện khoản vay.
Liên quan đến hoạt động thanh tra, giám sát, Phó Thống đốc cho biết, mục tiêu của NHNN sẽ phát hiện và xử lý các TCTD ở lúc sớm nhất để ít bị tác động nhất và giảm thiểu chi phí. Vì vậy, dự án Luật Các TCTD sửa đổi đã bổ sung rất nhiều quy định liên quan đến cơ chế can thiệp sớm giống như bộ quy tắc đã được áp dụng rộng rãi trên rất nhiều nước.
Làm rõ các ý kiến hiện nay có một quan niệm rất phổ biến cho rằng, khi một TCTD có vấn đề thì kiểm soát đặc biệt là phương cách tốt nhất để xử lý và cho rằng cứ kiểm soát đặc biệt là xử lý được, Phó Thống đốc cho biết, kiểm soát đặc biệt chỉ là bước đầu tiên. Thực tiễn từ khi NHNN áp dụng cơ chế kiểm soát đặc biệt đến nay đây không phải là cách thức để xử lý triệt để một TCTD yếu kém. Bởi lẽ khi đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt thì TCTD từ chỗ hoạt động uy tín chuyển sang không còn uy tín hoạt động. Khách hàng tốt nhất sẽ bỏ đi, nhân viên tốt nhất cũng không ở lại, vì vậy TCTD gần như không có cơ hội để phục hồi và đây là cách thức không phù hợp. Vì vậy theo Phó Thống đốc, chúng ta phải có cách thức khác để xử lý những TCTD yếu kém nhằm đảm bảo có được hệ thống lành mạnh và giảm thiểu rủi ro chung cho nền kinh tế, cũng như cho hệ thống ngân hàng.