Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech
Sandbox cho Fintech: Cân bằng mục tiêu ổn định hệ thống tài chính và khuyến khích sáng tạo | |
Fintech: Sau bùng nổ là sàng lọc | |
Thị trường xuất hiện khoản vay siêu nhỏ của công ty fintech |
Fintech đã trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành “Chính phủ số và nền kinh tế số” của nhiều quốc gia. Nhìn lại thị trường Fintech trong nước những năm vừa qua, có thể thấy rõ tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về số lượng và đa dạng về loại hình dịch vụ tài chính của các công ty Fintech trên thị trường. Hiện có khoảng 200 công ty Fintech đang hoạt động - tăng gấp 5 lần so với năm 2016 và tập trung hoạt động trong lĩnh vực như thanh toán, P2P Lending, chấm điểm tín dụng… Fintech Việt Nam cũng thu hút sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, VNPT… qua các hoạt động đầu tư hình thành các công ty cung ứng giải pháp Fintech, thành lập quỹ đầu tư, vườn ươm công nghệ… Rất nhiều Fintech hiện cũng đang bắt tay hợp tác với các ngân hàng để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.
Ảnh minh họa |
Tuy vậy, trong khuôn khổ Toạ đàm của NHNN phối hợp với ADB tổ chức về cơ chế quản lý thử nghiệm mới đây, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhìn nhận, dù có sự phát triển sôi động, trên thực tế, các công ty Fintech vẫn đang hoạt động trong một môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, trong khi hoạt động của các công ty Fintech đều gắn với lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện là hoạt động tài chính – ngân hàng. Điều này tiềm ẩn rủi ro với tất cả các bên liên quan, từ doanh nghiệp, đối tác đến cơ quan quản lý. Do vậy, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dành cho Fintech là một ưu tiên của NHNN.
Trong các lựa chọn chính sách đối với quản lý Fintech, cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia ủng hộ cho sự phát triển của Fintech. Hiện Sandbox đã được hơn 60 quốc gia trên thế giới áp dụng. Anh là quốc gia đầu tiên xây dựng cơ chế Sandbox vào năm 2015 và nhiều quốc gia khác đã học tập cách tiếp cận của Cơ quan Quản lý Tài chính tại Anh (FCA). Tại khu vực Đông Nam Á, đã có 4 quốc gia xây dựng cơ chế Sandbox là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Sau một thời gian áp dụng cơ chế Sandbox, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy với các công ty Fintech, việc tham gia cơ chế Sandbox sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, kiểm tra tính khả thi và “sức sống” của sản phẩm mới, giúp sản phẩm tiếp cận với thị trường nhanh hơn và có sự đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý mặc dù có thể làm tăng chi phí nghiên cứu và phát triển cho công ty. Tham gia cơ chế Sandbox cũng sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí “thay đổi ngân hàng” trong khi vẫn đổi mới, được thúc đẩy để đổi mới và sẵn sàng với các thay đổi pháp lý có thể xảy ra. Cơ chế Sandbox cũng sẽ tạo điều kiện hiểu rõ về công nghệ đang triển khai, đưa ra tín hiệu tích cực cho thị trường và giúp định hướng, có cách tiếp cận phù hợp với Fintech.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ, hiện ADB cũng đang hợp tác với NHNN trong việc xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho Fintech. “Cơ chế này giúp NHNN có thể cân đối giữa việc duy trì sự ổn định trên thị trường và bảo vệ người tiêu dùng cũng như là cung cấp môi trường thuận lợi cho các công ty Fintech hoạt động. Cơ chế này cũng khuyến khích các cơ quan như ngân hàng, các quỹ đầu tư có thể tăng cường vai trò của mình trên thị trường tài chính”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Với trường hợp từ London (Anh Quốc) - “ngôi nhà” của hơn 2.100 công ty Fintech, lớn hơn tất cả các thành phố khác trên toàn cầu - ông Greg Soulsby, Chuyên gia tư vấn về Khung pháp lý thử nghiệm và Quản trị dữ liệu của ADB nhìn nhận: các doanh nghiệp Fintech ở Anh được hưởng lợi từ các kỹ năng rộng khắp trong các dịch vụ tài chính, mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ, đầu tư quốc tế và huy động vốn.
Theo ông Greg Soulsby, cơ chế Sandbox và các đầu tư Fintech khác là một trong số ít cơ hội để đạt được các mục tiêu xã hội của Chính phủ thông qua công nghệ. “Môi trường vật chất ban đầu có thể là cơ sở hạ tầng công cộng, với sự hỗ trợ của các bên tham gia trong ngành. Sau đó, một môi trường độc quyền, phù hợp sẽ được phát triển theo thời gian dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu phát triển”, chuyên gia này khuyến nghị.
Lấy đơn cử một trong những giải pháp Sandbox là eKYC trong hoạt động nghiệp vụ, PGS.TS Lê Thanh Tâm - Chuyên gia tư vấn về tài chính toàn diện của ADB chỉ ra rằng, eKYC sẽ giúp giảm chi phí xác định và quản lý khách hàng vay vốn từ 83-90%, từ đó giảm chi phí cho vay tín chấp tiêu dùng của ngân hàng tới 50%, giúp giảm tổng chi phí của nền kinh tế trong hoạt động cho vay khách hàng cá nhân xuống 58% nếu kết hợp cả eKYC và chấm điểm tín dụng theo Fintech. Tất cả những điều trên sẽ giảm rủi ro tín dụng xuống 10 lần, theo đó gia tăng mức độ tiếp cận và lợi ích cho khách hàng nhằm thực hiện chiến lược tài chính toàn diện trong thời gian sớm nhất.
Không phủ nhận những ưu việt và lợi ích rõ ràng của sandbox, song ông Tô Huy Vũ cũng lưu ý, cần làm rõ cơ chế pháp lý thử nghiệm Fintech chỉ là một lựa chọn chính sách và là một phần trong chiến lược đổi mới sáng tạo của Chính phủ.
“Các sáng kiến và hỗ trợ khác như các trung tâm đổi mới, sáng tạo (Innovation Hub), các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính… cũng đang góp phần xây dựng hệ sinh thái Fintech. Do đó, cần nhìn nhận và đánh giá cơ chế sandbox dưới nhiều góc độ khác nhau, trên tương quan so sánh kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước”, ông Vũ cho hay.