Hội An: Từ thành phố di sản đến sáng tạo
Gần 1.000 tỷ đồng chống xói lở và bảo vệ bờ biển Hội An Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch |
Gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu
Đến nay, Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO có 350 thành viên là các đô thị đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam hiện có 3 thành phố nằm trong mạng lưới là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ, ngày 31/10/2023 sẽ đi vào lịch sử của Hội An - ngày UNESCO xướng tên và vinh danh Hội An gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Đây là dấu son, bước ngoặt trong chặng đường mới của đô thị cổ Hội An. Gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo không chỉ là danh hiệu mà còn là vinh dự. Bên cạnh đó là sự cam kết về chặng đường mới phải hành động. Thời gian tới, Hội An sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung sáng kiến đề xuất trong hồ sơ. Đồng thời kết nối với các thành viên của mạng lưới để cùng nhau xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo.
Thủ công truyền thống và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Nghệ thuật Bài chòi cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Các thành phố đủ tiêu chuẩn gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO phải có cam kết mạnh mẽ trong việc khai thác văn hóa và sáng tạo như một phần của chiến lược phát triển. Đồng thời thể hiện được thực tiễn đổi mới trong quy hoạch đô thị lấy con người làm trung tâm. Với việc được gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, Hội An sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tổ chức các sự kiện thường niên và nâng Hội An trở thành một điểm đến của các liên hoan thủ công, nghệ thuật dân gian cả nước và quốc tế. Việc Hội An được chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu sẽ tăng sức hấp dẫn trong khu vực và quốc tế.
Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo toàn cầu ở lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian |
Hành trình đến thành phố sáng tạo
Hội An là một trong 7 thành phố của Việt Nam được Bộ VH-TT&DL chọn thực hiện “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO”. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An tâm sự, mạch nguồn của Hội An khác với các thành phố khác, đó là dòng chảy từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo, kế thừa những sáng tạo của tiền nhân để tiếp tục sáng tạo với cốt lõi là vốn văn hóa, xã hội, con người, gắn liền với phát huy tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường để hướng đến tăng trưởng đa chiều. Muốn như vậy phải nâng cao những giá trị sáng tạo với mục tiêu đem lại lợi ích cho cộng đồng là trên hết.
Qua các cuộc tham vấn, nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn 2 lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian để xây dựng hồ sơ đề cử Hội An tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là phù hợp. Để tạo môi trường lan tỏa cảm hứng và khát vọng sáng tạo, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực đã chọn như: Nét hoa nghề Hội An, Con đường nghệ thuật và sáng tạo, hội thi bài chòi, trại sáng tác “Không gian sáng tạo Hội An”, hội thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gặp gỡ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch với Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố…
Việc tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO là quá trình Hội An thể hiện cam kết phát triển bền vững trên nền tảng tài nguyên bản địa. Tất cả hoạt động liên quan đến thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian đều phải có tính tương tác, nếu tách rời khỏi cộng đồng thì tài nguyên, di sản văn hóa ở Hội An sẽ bị đứt gãy... Đây là lĩnh vực mà Hội An có tính vượt trội, nhiều tiềm năng và thể hiện mối quan hệ tương hỗ, đa chiều với các giá trị di sản khác. Bên cạnh đó, thành phố đã cử cán bộ đến các cơ quan như Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, Sở VH-TT&DL Hà Nội, Đà Lạt để nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm hiểu các bước triển khai cho công tác chuẩn bị hồ sơ thành phố sáng tạo theo khung báo cáo do UNESCO hướng dẫn.
Thực tế, Hội An có nhiều lợi thế, cơ hội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO bởi đây là thành phố có quy mô không lớn nhưng luôn mang tính quốc tế trong quá khứ lẫn hiện tại. Di sản văn hóa Hội An do tiền nhân sáng tạo trong lịch sử đã vượt qua sự tác động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, xã hội, đến nay vẫn được các thế hệ con người Hội An trân trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Thành phố có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa đa tầng, giàu bản sắc; các loại hình nghệ thuật dân gian và làng nghề truyền thống được gìn giữ, bảo lưu và phát triển liên tục.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định, việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO này sẽ mở ra cho Hội An những triển vọng và cơ hội mới, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo điều kiện cho quá trình sáng tạo, sản xuất và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa; tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế, xây dựng Hội An trở thành điển hình như một thành phố toàn cầu trong việc bảo tồn, phát huy di sản, đổi mới sáng tạo.