Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch
Để Hội An là điểm đến chất lượng Khởi công xây dựng làng biệt thự sinh thái liền kề ở Hội An Gần 1.000 tỷ đồng chống xói lở và bảo vệ bờ biển Hội An |
Sự phát triển “quá nóng” của du lịch trong lòng di sản đã trở thành nguy cơ “bị đánh mất” của đô thị Hội An trong tương lai, nếu không kịp thời điều chỉnh. |
Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết 31 về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng trở thành đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch. Theo đó, đến năm 2030, Quảng Nam sẽ xây dựng và phát triển TP. Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng. Trong đó, đô thị cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân.
TP. Hội An sẽ tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, thành phố sự kiện, lễ hội của Quảng Nam; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, điểm đến hấp dẫn của thế giới. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước.
Đáng chú ý, Nghị quyết 31 cũng định hướng TP. Hội An tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, “Điểm đến thành phố văn hoá hàng đầu” của thế giới, phấn đấu theo mô hình đô thị kiểu mẫu “thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt’’.
Theo Nghị quyết được phê duyệt, quan điểm xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, hình thành vùng động lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và gắn kết với phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương liên quan trong quá trình phát triển. Đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù; lấy sinh thái và văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế xã hội theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”.
Để cụ thể hóa các mục tiêu này, Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển, đổi mới tư duy… nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hội An hiện là đô thị loại III, với tổng diện tích tự nhiên hơn 6.170ha. Hiếm có nơi nào như Hội An, một thành phố có đến 2 di sản thế giới gồm: một di sản văn hóa - phố cổ và một di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm…
Những năm trước khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan Hội An khá đông, năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ năm 2022 đến nay, du lịch đã dần được phục hồi, lượng du khách đến Hội An cũng dần được tăng cao. Song, sự phát triển “quá nóng” thời du lịch thịnh hành ngay trong lòng di sản đã trở thành nguy cơ “bị đánh mất” của đô thị Hội An trong tương lai, nếu không kịp thời điều chỉnh, thiết lập quy củ để phát triển bền vững hơn.