Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Thanh Hóa tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là điểm sáng |
Hội nghị do ông Lê Ngọc Khánh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Nguyễn Lợi - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đồng chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Đại tá Nguyễn Tâm Hùng - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; lãnh đạo các quỹ tài chính trực thuộc UBND tỉnh; VCCI Vũng Tàu; lãnh đạo các hiệp hội, ngành nghề; lãnh đạo 44 chi nhánh ngân hàng thương mại và gần 70 doanh nghiệp/nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Lợi - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đồng chủ trì Hội nghị |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh, trong năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,75%; GRDP bình quân đầu người đạt 8.078 USD/người/năm, cao gần gấp đôi GRDP bình quân đầu người cả nước (4.284 USD).
Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp của ngành Ngân hàng trên địa bàn với vai trò kênh dẫn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt việc cung ứng kịp thời trên 220.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng đủ điều kiện vay theo quy định; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình, sản phẩm đặc thù, ưu đãi theo từng hệ thống tổ chức tín dụng; qua đó hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị này nhằm kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu về vốn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh; qua đó kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định của tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật. Đây còn là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng đạt 168.040 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2023 (tăng 2.162 tỷ đồng); đến tháng 3/2024, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm từ 0,1-0,3%/năm so với cuối năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các sở, ban, ngành, các hiệp hội, các quỹ tài chính trực thuộc UBND tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trình bày các tham luận về thực trạng, khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cũng như có các đề xuất, kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị |
Qua các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Lợi - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho rằng, để tiếp cận tốt với các doanh nghiệp, ngân hàng cần chủ động trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp đang có dư nợ tại ngân hàng để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hội sở, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng; giải thích kịp thời, minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ những trường hợp khách hàng không đủ điều kiện vay.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tích cực tham gia và triển khai hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Chính phủ ban hành; Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Lợi - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp |
Kết thúc Hội nghị, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu của các sở, ngành và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp/ngành hàng đã trao đổi rất thẳng thắn tại Hội nghị. Đây là những vấn đề liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của ngân hàng trong thời gian tới phải có giải pháp phù hợp để tháo gỡ giúp cho việc hấp thụ vốn ngân hàng trên địa bàn phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành rà soát, nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tham mưu, góp ý xây dựng các dự thảo luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng, chương trình mục tiêu quốc gia; giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...
Đối với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính; chuẩn hóa chế độ kế toán; cung cấp đầy đủ tài liệu để các các các chi nhánh ngân hàng thương mại có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay, cùng với đó lựa chọn các chi nhánh ngân hàng thương mại có mức lãi suất và điều kiện vay vốn phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của doanh nghiệp.