Tín dụng chính sách: “Bệ phóng” để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer Trà Vinh (Bài 2)
Tín dụng chính sách: “Bệ phóng” để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer Trà Vinh (Bài 1) |
Bài 2: Tín dụng chính sách: “Luồng gió mới” để nâng cao vai trò, vị thế của đoàn thể
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thời gian qua các Hội đoàn thể của tỉnh Trà Vinh đã tích cực chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và vị thế của mình. Trong những nguồn lực để thực hiện, có vai trò tích cực của vốn TDCS, đã tạo được “Luồng gió mới”.
Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (nay nhận nhiệm vụ mới) cho biết: Hội LHPN tỉnh nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của giảm nghèo, cần phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức và của chính người nghèo; việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là phụ nữ Khmer là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội. Do đó, Hội LHPN các cấp phát huy vai trò xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn TDCS, nhất là từ năm 2014, khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS.
Đoàn viên Kim Thị Ly Na, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh chăm sóc đàn bò |
Xuất phát từ quan điểm đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với NHCSXH Trà Vinh để hỗ trợ phụ nữ nghèo, hướng mạnh về cơ sở. Đồng chí Trần Thị Như Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết: Xã Hòa Ân có 10 tổ TK-VV, có 497 thành viên, dư nợ hơn 17 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn xã không còn hộ hội viên phụ nữ nghèo; đồng thời, nhiều năm qua, xã Hòa Ân không để nợ quá hạn.
Với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội đoàn thể, hoạt động ủy thác TDCS của tỉnh Trà Vinh thật sự là nguồn lực quan trọng. Ban Thường vụ các Hội đoàn thể tỉnh chỉ đạo đưa hiệu quả quản lý hoạt động ủy thác vào nội dung tiêu chí thi đua hàng năm của mỗi Hội. Mỗi cấp Hội phân công cán bộ đầu mối trực tiếp hỗ trợ, theo dõi quản lý nguồn vốn; chủ động phối hợp với NHCSXH tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; tham gia giao ban định kỳ với NHCSXH để nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện hoạt động ủy thác, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng TDCS tại địa phương.
Tại ấp Sa Văng, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đến thăm mô hình trồng rau má của chị Phạm Thị Hoàng, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ ấp Sa Văng. Chị Phạm Thị Hoàng chia sẻ: gia đình vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn TDCS, chị đầu tư trồng chanh bông tím và trồng rau má để “lấy ngắn, nuôi dài”. Với 2.800m2, hiện mỗi ngày thu hoạch 120kg rau má, giá 10.000 đồng/kg, thu nhập 1,2 triệu đồng/ngày.
Chị Phạm Thị Hoàng, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ ấp Sa Văng, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, phân loại rau má trước khi giao cho thương lái |
Nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú xuống điểm giao dịch xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh để giải ngân vốn cho hội viên Hội Nông dân |
Theo lãnh đạo Ban Dân Vận Tỉnh ủy Trà Vinh, vốn TDCS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiệu quả là nhờ Ban chỉ đạo các ngành thành viên, phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện giải ngân vốn gắn với tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những hoạt động lớn của Hội đoàn thể các cấp. Hàng năm, các cấp Hội đưa công tác này vào chương trình hoạt động đối với Hội cơ sở; tổ chức tổng kết, bình xét, khen thưởng đối với các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm ăn hiệu quả. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả: trồng dừa sáp xen canh chuối tá quạ của anh Nguyễn Thuận Phát, ấp Bà Mi, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè; nuôi bò sinh sản, bò thịt của chị Trương Thị Ly, ấp Ngãi Chánh, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần; nuôi dê của anh Nguyễn Văn Sang, Khóm 7, thị trấn Định An, huyện Trà Cú; nuôi tôm càng xanh của anh Trầm Tiền, ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú; nuôi cua trong hộp của anh Trần Minh Nhật, ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải; nuôi lươn của anh Phan Trung Kiên, ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang; nuôi ong lấy mật của chị Nguyễn Thị Huệ, ấp Huệ Sanh, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; Hợp tác xã may mặc của chị Nguyễn Thị Bé Ngân, ấp Long Đại, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; trồng mít của chị Lê Thị Xuân Mai, ấp Cây Cách, xã Bình Phú, huyện Càng Long... theo từng cấp Hội, từ tỉnh đến cơ sở, Hội đóng vai trò quan trọng, ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.
Huyện Càng Long, có 03 xã có đông đồng bào Khmer: Bình Phú, Huyền Hội và Phương Thạnh; Bình Phú là xã thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhờ vốn TDCS; xã Bình Phú có 10 ấp, với 3.884 hộ, dân số 14.645 người; trong đó, hộ dân tộc Khmer 1.037 hộ, chiếm 26,71% dân số, tập trung ở 03 ấp Nguyệt Lãng A, Nguyệt Lãng B và Nguyệt Lãng C; cuối năm 2023, xã còn 35 hộ hộ nghèo, chiếm 0,9%/tổng số hộ; 137 hộ cận nghèo, chiếm 3,52%/tổng số hộ dân toàn xã.
Bí thư Xã Đoàn Bình Phú, anh Lương Hữu Tín chia sẻ: Xã Đoàn Bình Phú hiện có 146 đoàn viên, không còn đoàn viên nghèo; nhờ nguồn vốn TDCS, nhiều đoàn viên thoát nghèo. Tại ấp Nguyệt Lãng B, có đoàn viên Kim Thị Ly Na, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Xã Đoàn để nuôi bò. Qua hơn 03 năm, nhờ chăm sóc đàn tốt, chí thú làm ăn, đàn bò của Kim Thị Ly Na hiện có 05 con, giá trị hơn 110 triệu đồng; không những trả được vốn vay, mà còn tích lũy.
Năm 2024, hệ thống NHCSXH tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK-VV, quan tâm kiện toàn ban quản lý đối với các tổ TK-VV hoạt động trung bình; rà soát, sắp xếp tổ TK-VV theo cụm dân cư liền kề; nâng cao chất lượng họp bình xét cho vay tại tổ và đôn đốc, giám sát tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, lãi theo quy định. Đồng thời, duy trì 100% xã xếp loại tốt; đến cuối năm 2024, cả có 04 Hội đoàn thể cấp huyện không có nợ quá hạn... Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch NHCSXH thực hiện các phong trào thi đua: “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.
Để giải ngân vốn TDCS đến đúng đối tượng thụ hưởng; NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã tổ chức mạng lưới 2.808 Tổ TK-VV hoạt động rộng khắp đến tất cả ấp, khóm trên tất cả địa bàn các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2024, dư nợ ủy thác qua 04 Hội đoàn thể đạt trên 4.434 tỷ đồng, chiếm 97%/tổng dư nợ. Các Hội đoàn thể nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua hoạt động của các Tổ TK-VV tại cơ sở, từ đó người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tín dụng ưu đãi thuận tiện. Các Hội đoàn thể nhận ủy thác cùng với chính quyền trực tiếp tham gia bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động các Tổ TK-VV, việc sử dụng vốn của hộ vay; phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; từ đó, vốn NHCSXH đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Phải khẳng định rằng: vốn TDCS giúp đồng bào Khmer Trà Vinh giảm nghèo hiệu quả, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND tỉnh phối hợp với NHCSXH tổ chức triển khai nhanh các chính sách cho vay ưu đãi; tiến hành điều tra, rà soát đối tượng thuộc diện được thụ hưởng có nhu cầu vay vốn. Hàng năm, căn cứ các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch TDCS, các đoàn thể tiến hành phân bổ, giao các chỉ tiêu nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, phối hợp bình xét cho vay công khai, dân chủ, minh bạch hiệu quả.