Hội nghị Thống đốc NHTW ASEAN và Bộ trưởng Tài chính ASEAN
Đây là hai sự kiện thường niên quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác tài chính – tiền tệ khu vực ASEAN, nằm trong chuỗi các Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2024 do NHTW và Bộ Tài chính Lào chủ trì.
Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ, Bộ Tài chính của 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).
Chủ đề hợp tác ASEAN năm 2024
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, nước chủ nhà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã lựa chọn chủ đề “ASEAN – Thúc đẩy kết nối và tự cường” (Enhancing Connectivity and Resilience) thông qua tăng cường hợp tác ASEAN theo các trụ cột là thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng; thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy hội nhập kinh tế và giao lưu nhân dân sâu rộng hơn; tăng cường hơn nữa quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang thay đổi.
Các lãnh đạo NHTW ASEAN chụp ảnh lưu niệm |
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào đề xuất Sáng kiến Kinh tế Ưu tiên (PED) về “Tăng cường đối thoại chính sách để giải quyết các thiếu hụt về tài trợ và tăng cường tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, trong đó xác định các lĩnh vực cần chú trọng để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng số, nâng cao hiểu biết tài chính và xây dựng môi trường thuận lợi để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng ủng hộ chủ đề và các ưu tiên của Lào trong năm Chủ tịch 2024, cho rằng đây là các định hướng quan trọng cho sự phát triển một khu vực ASEAN kết nối, bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng biến động.
Về kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới
IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu phục hồi nhưng không đồng đều giữa các nền kinh tế; điều kiện tài chính dự kiến được nới lỏng. Châu Á vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng toàn cầu với tỷ lệ lạm phát thấp hơn các khu vực khác và đang trên đà giảm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang phải đối mặt với các rủi ro như sự suy giảm của bất động sản và giảm phát tại Trung Quốc, sự phân mảnh trong hoạt động thương mại và gia tăng căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, IMF khuyến nghị các nền kinh tế trong khu vực cần có các phản ứng chính sách phù hợp với hoàn cảnh của từng nước theo hướng tập trung củng cố tài khóa để hạn chế gia tăng nợ công, quản lý thận trọng mức lạm phát để đạt mục tiêu, bảo vệ ổn định tài chính, triển khai các cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.
WB cũng có chung nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu khá thuận lợi song vẫn đối mặt với nhiều rủi ro như tăng trưởng toàn cầu chậm hơn; điều kiện tài chính thắt chặt và nợ cao có thể dẫn đến căng thẳng tài chính; sự phân mảnh mạng lưới thương mại, đầu tư, tài chính toàn cầu và các rủi ro khí hậu. Trong bối cảnh đó, WB khuyến nghị cần tập trung vào các ưu tiên chính sách, bao gồm: (i) Tiếp tục giữ vững kỳ vọng lạm phát, truyền thông các quyết định chính sách một cách rõ ràng và đáng tin cậy đồng thời quản lý các rủi ro tiềm ẩn như dịch chuyển vốn ra nước ngoài và áp lực tiền tệ; (ii) Cân bằng giữa nhu cầu đảm bảo tính bền vững tài chính với việc ứng phó với các cú sốc tiêu cực; (iii) Ưu tiên cải cách cơ cấu để thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Lãnh đạo Bộ Tài chính và NHNN tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng tài chính ASEAN |
Tầm nhìn cộng đồng kinh tế ASEAN 2025
Hội nghị ghi nhận tiến độ triển khai đánh giá cuối kỳ thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025) để chuẩn bị cho việc xây dựng Tầm nhìn AEC sau năm 2025 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với mục tiêu nỗ lực hiện thực hóa một nền kinh tế thị trường thống nhất và thịnh vượng, với lực lượng lao động có tay nghề cao, được thúc đẩy bởi năng suất, đổi mới hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Tiến trình hội nhập tài chính ngân hàng ASEAN
Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các Nhóm công tác trong việc triển khai hiệu quả các sáng kiến trong tiến trình hợp tác tài chính - ngân hàng ASEAN trên tất cả các lĩnh vực: Hội nhập và tự do hóa tài chính, kết nối thanh toán, tài chính bền vững, tài chính toàn diện qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của AEC 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng hoan nghênh nỗ lực chung của NHTW và Bộ Tài chính ASEAN trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu trong khuôn khổ AEC 2025 và cam kết tiếp tục đóng góp chung vào tiến trình hội nhập tài chính – ngân hàng của khu vực ASEAN. Phó Thống đốc đánh giá cao nỗ lực của các Nhóm công tác trong việc hoàn thành hầu hết các sáng kiến/hoạt động hợp tác trong năm 2023 với kết quả đáng ghi nhận.
Về tài chính toàn diện, Nhóm công tác về tài chính toàn diện đã tận dụng tốt lợi thế của công nghệ để hiện thực hóa các mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua việc hợp tác với các đối tác để triển khai nghiên cứu về nhận diện số liên thông (digital ID) và xây dựng bộ công cụ chính sách để tăng cường sử dụng thanh toán số và tiếp cận tài chính số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sáng kiến này rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nhằm hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện bền vững và có trách nhiệm.
Về kết nối thanh toán khu vực, Nhóm công tác về hệ thống thanh toán ASEAN đã thực hiện tốt vai trò là diễn đàn chia sẻ thông tin, thảo luận các sáng kiến thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tiên phong triển khai các kết nối thanh toán xuyên biên giới, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN về kết nối thanh toán. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá cẩn trọng các rủi ro phát sinh trong quá trình kết nối thanh toán trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ có thể đi kèm với các rủi ro, thách thức mới như rủi ro an ninh mạng, rủi ro gian lận tài chính.
Về tự do hóa dịch vụ tài chính, khu vực ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể trong tự do hóa dịch vụ tài chính thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như Australia, New Zealand, Canada, Trung Quốc..., qua đó góp phần hỗ trợ thương mại hàng hóa, dịch vụ và kết nối các nền kinh tế trong khu vực.
Về tự do hóa tài khoản vốn, Nhóm công tác về tự do hóa dịch vụ tài chính đã tăng cường đối thoại chính sách và trao đổi thông tin về xu hướng, số liệu thống kê và biện pháp quản lý dòng vốn giữa các nước ASEAN. Phó Thống đốc đề nghị Nhóm cần giám sát và đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn đối với xu hướng dòng vốn trong khu vực do ASEAN là điểm hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài nên dễ gặp phải các rủi ro từ bên ngoài. Đặc biệt, Phó Thống đốc hoan nghênh việc thành lập Nhóm đặc trách để xây dựng Khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ (LCT) nhằm góp phần tăng cường ổn định tài chính vĩ mô và khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực trước các cú sốc từ bên ngoài, qua đó góp phần củng cố vai trò trung tâm của khu vực ASEAN.
Các Lãnh đạo NHTW và Bộ Tài chính tham dự Hội nghị tại Luang Prabang, Lào |
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cũng đánh giá cao sáng kiến của NHTW Indonesia về việc cơ cấu, sắp xếp và sửa đổi chức năng, nhiệm vụ các Nhóm công tác NHTW để bắt kịp với các diễn biến mới trong khu vực và trên thế giới.
Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào Bounleua Sinxayvoravong và Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng chụp ảnh lưu niệm |
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã có buổi gặp mặt xã giao với Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào ông Bounleua Sinxayvoravong. Tại buổi gặp mặt, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng bày tỏ sự ủng hộ của NHNN Việt Nam đối với các trọng tâm ưu tiên của Ngân hàng CHDCND Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, khẳng định NHNN Việt Nam sẽ luôn đồng hành và sẻ chia với Ngân hàng CHDCND Lào trong việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên này cũng như trong hoạt động hợp tác ngân hàng giữa hai NHTW.
Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 năm 2025 sẽ được tổ chức tại Malaysia.