![]() |
Chứng khoán chiều 3/2: Cổ phiếu lớn thu hẹp đà giảm |
![]() |
Chứng khoán sáng 3/2: Nhóm vốn hóa lớn phân hóa |
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,04%) còn 1.077,15 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 7,78 điểm (- 0,71%) xuống 1.085,70 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 185 mã tăng/216 mã giảm, ở rổ Vn30 có 14 mã tăng trong khi cũng có 16 mã giảm. Trong khi nhóm smallcap ngược dòng thị trường với mức tăng 0,41% thì nhóm midcap lại giảm 0,71% và đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
![]() |
Chỉ số VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,04%) còn 1.077,15 điểm |
Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên thị trường phiên này là: GAS (- 1,68%), SSB (-4,93%), TCB (-3,21%), MWG (-4,21%), FPT (- 2,2%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VCB (+2,65%), SAB (+2,83%), NVL (+5,28%), VIB (+2,97%), PLX (+3,04%)…
Thanh khoản trên toàn thị trường giảm còn 11.958 tỷ đồng, giảm 25,5% so với mức bình quân 4 phiên trước, đây cũng là phiên có thanh khoản thấp nhất trong tuần này.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng 565,75 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: STB, HPG, NVL, VCB, KBC… Ở chiều ngược lại: KBC, HHV, MSN, GMD, VNM… là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.
Công ty Cp Chứng khoán MBS cho biết, thị trường đi ngang nhưng số cổ phiếu thiệt hại tiếp tục tăng lên, thanh khoản giảm dần về cuối tuần cho thấy nhà đầu tư rất thận trọng không chỉ vì đây là phiên cơ cấu danh mục của các quỹ ETF mà còn do đây là phiên T+2,5 của phiên có lượng hàng nhiều nhất trong vòng 2 tháng vừa qua về tài khoản và nhiều cổ phiếu ở trạng thái lỗ. Về kỹ thuật, chỉ số Vn-index đang được hỗ trợ ở vùng 1.058 – 1.067, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp khi thanh khoản tuần tới dự kiến sẽ còn giảm.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty TNHH CHứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch không mấy tích cực khi áp lực bán mạnh xuất hiện vào phiên giữa tuần, chủ yếu đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã đè nặng áp lực lên thị trường khiến chỉ số chung đánh mất mốc 1.100 điểm lui về dưới khu vực 1.080 điểm
Về diễn biến cụ thể, diễn biến rung lắc giằng co diễn ra trong 2 phiên đầu tuần với sự tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành khiến VN-Index liên tục dao động tại vùng hỗ trợ 1.100 điểm. Tại phiên ngày 1/2, áp lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện về cuối phiên chiều ở nhiều mã cổ phiếu thuộc VN30 như VCB, VHM, VIC đã tạo tiền đề tiêu cực khiến cho thị trường chìm trong sắc đỏ, giảm hơn 30 điểm xuống dưới khu vực 1.080 điểm.
Sau phiên giảm điểm mạnh, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với sự cân bằng giữa bên mua và bên bán giúp cho đà bán ròng tạm thời chững lại.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu bất động sản và dầu khí là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm lần lượt là 5,37% và 4,82%. Trái ngược với đà bán ròng của khối nội, khối ngoại vẫn tỏ ra khá lạc quan khi tiếp tục mua ròng vào phiên cuối tuần với thanh khoản 439 tỷ đồng, tập trung mua HPG, STB, NVL. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.077,15 điểm, giảm 39,95 điểm tương đương giảm 3,58% so với tuần trước.
Về chiến lược đầu tư tuần tới, VCBS cho biết, sau quyết định nâng lãi suất 0,25% Fed, ECB và BOE ngày hôm qua đã đưa ra quyết định nâng lãi suất 0,5%. Đồng thời ECB cũng đưa ra định hướng về việc có thể tiếp tục nâng thêm 0,5% trong tháng 3. Trong khi Fed được dự báo còn thêm 2 lần tăng lãi suất với mỗi lần 0,25%. Như vậy, các quyết định lãi suất của các NHTW lớn theo khá sát kỳ vọng của thị trường. Có thể thấy, Fed dã tiến gần hơn đến mức lãi suất mục tiêu trong khi cuộc chiến chống lạm phát thông qua tăng lãi suất của ECB vẫn chưa chấm dứt. Theo đó, không loại trừ khả năng tương quan sức mạnh đồng USD so với các ngoại tệ sẽ diễn biến trái chiều so với năm 2022.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết tuần với cây nến Spinning Top cho thấy tâm lý thận trọng, giằng co của nhà đầu tư sau phiên giảm điểm mạnh vào giữa tuần. Tại khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI vẫn chưa cho tín hiệu tích cực trở lại mà mới đi ngang cho thấy áp lực bán hiện đang chỉ tạm thời hạ nhiệt. Tuy nhiên trên khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo này đang có xu hướng tạo đáy đầu tiên nên tạm thời rủi ro của VN-Index trong ngắn hạn sẽ giảm bớt.
“Với diễn biến hiện tại, khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục rung lắc với biên độ hẹp và chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất hiện sự phân hóa rõ ràng hơn giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường trong các phiên tới. Trong trường hợp đó, lực cầu xuất hiện trở lại có thể giúp VN-Index bật nảy sau khi chạm khu vực giao cắt với MA20 và nhà đầu tư có thể canh giải ngân với tỷ trọng từ 10 – 15% đối với những mã thuộc ngành ngân hàng có vốn hóa lớn và có xu hướng dẫn dắt thị trường chung hồi phục”, đại diện VCBS nhận định.
Quốc Tuấn
Nguồn: