IMF lo ngại về tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc
“Lời khuyên của chúng tôi dành cho Trung Quốc là hãy sử dụng không gian chính sách theo cách giúp bạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tiêu dùng nội địa nhiều hơn”, bà Georgieva nói. “Bởi vì cách truyền thống dựa vào cơ sở hạ tầng, bơm thêm tiền, trong môi trường hiện tại sẽ không hiệu quả”.
Dân số già hóa và năng suất giảm sút của Trung Quốc đang đóng “vai trò kìm hãm” tốc độ tăng trưởng của nước này. Bên cạnh đó, các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản cũng khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. “Chúng tôi thực sự dự đoán rằng nếu không cải cách cơ cấu, tăng trưởng trung hạn ở Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4%", Tổng giám đốc IMF nói.
Hồi tháng 7 IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc là 5,2% và 4,5% vào năm 2024, nhưng định chế này cũng cảnh báo, con số này có thể thấp hơn do thị trường bất động sản suy giảm.
Bà KristalinaGeorgieva cũng cho biết, điều quan trọng đối với Trung Quốc là giải quyết niềm tin của người tiêu dùng đối với lĩnh vực bất động sản bằng cách tài trợ cho việc hoàn thiện các căn hộ mà người mua đã trả tiền thay vì giải cứu các nhà phát triển đang gặp khó khăn.
IMF đang chuẩn bị đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu mới trước cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 10. Các dự báo mới được dự kiến sẽ phản ánh mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP yếu kém trên toàn thế giới, vì hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn đang tụt hậu so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Cho đến nay, Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất đã phục hồi mức tăng trưởng trước đại dịch, trong khi Trung Quốc thấp hơn xu hướng trước đại dịch 4 điểm phần trăm, châu Âu giảm 2 điểm phần trăm và thế giới giảm 3 điểm phần trăm.
Bà Kristalina Georgieva cho biết, với việc Trung Quốc tạo ra khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của nước này “quan trọng đối với châu Á và đối với phần còn lại của thế giới”.
Trong khi đó J.P.Morgan và ANZ cuối tuần trước đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc, sau khi các số liệu kinh tế tháng 8 cho thấy một số dấu hiệu ổn định ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cả hai đều nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc thêm 20 điểm cơ bản, lần lượt lên 5% và 5,1%. J.P.Morgan cho biết sự phục hồi đáng chú ý trong doanh số bán lẻ và sự gia tăng trong hoạt động dịch vụ là những bất ngờ lớn nhất.
Sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 8, nhưng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm có nguy cơ làm suy giảm một loạt các bước hỗ trợ đang có dấu hiệu ổn định một phần nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này.
Haibin Zhu - Chuyên gia kinh tế tại J.P.Morgan cho biết, các chính sách ổn định tăng trưởng của chính phủ được công bố từ giữa tháng 8 có thể sẽ thấm vào nền kinh tế thực trong những tháng tới. “Về mặt thận trọng, trong khi việc nới lỏng nhu cầu trên thị trường nhà đất là một bước đi đáng hoan nghênh, thì đầu tư bất động sản có thể sẽ vẫn chậm chạp”, JPM cho biết.
Còn Goldman Sachs giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc ở mức 4,9%, nhưng cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng giằng co giữa những trở ngại tăng trưởng dai dẳng và sự hỗ trợ chính sách ngày càng tăng.