Khắc phục hậu quả sau bão Yagi: Chính sách hỗ trợ cần có quy trình rút gọn, linh hoạt, kịp thời
Nhiều người dân, doanh nghiệp "mất trắng" sau bão |
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong - đặt vấn đề, cơn bão Yagi đã đi qua 22 ngày nhưng những con số thiệt hại về tài sản, tính mạng con người vẫn tiếp tục là nỗi đau dai dẳng với tất cả chúng ta. Đến thời điểm này, các địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh. Do đó, những giải pháp nào để đẩy nhanh phục hồi sản xuất công nghiệp, duy trì đơn hàng xuất khẩu, bảo vệ uy tín với bạn hàng quốc tế, đảm bảo không đứt gãy sản xuất, duy trì nền kinh tế Việt Nam đứng vững sau thiên tai.
Là quốc gia phát triển kinh tế một phần dựa vào nông nghiệp, nước ta chịu rất nhiều thiệt hại từ cơn bão Yagi. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết,thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn 14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn, ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - cho biết, là người trực tiếp chỉ huy chống bão, đứng trên các tòa nhà cao tầng chỉ huy chống bão, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi vì sức tàn phá rất khốc liệt. Sau bão, địa phương bằng mọi cách khôi phục hình ảnh thành phố bằng việc phát động chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục tình hình. Hạ Long huy động 70.000 người, trên 2.000 phương tiện tham gia khắc phục hậu quả cơn bão. Huy động ô tô, máy xúc, máy nâng để cắt cây đổ, giải tỏa
Sau 3 ngày bão quét qua, Quảng Ninh đã khắc phục hình ảnh thành phố, 108 trường học cho học sinh trở lại học, chỉ còn 9 trường học thiệt hại nặng nề chưa khôi phục. Thành phố mở cửa đón khách du lịch đã đặt trước. Từ 11-15/9, TP. Hạ Long đón trên 20.000 khách du lịch và chủ yếu khách quốc tế. Từ đầu năm tới nay, Hạ Long đón hàng triệu lượt khách, tổng doanh thu 20.300 tỷ đồng.
Toàn cảnh tọa đàm |
Linh hoạt rút gọn quy trình hỗ trợ
Trước những thiệt hại to lớn sau bão, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên một số địa bàn tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, xử lý rủi ro với các khoản nợ.
Ngay sau bão, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình thiệt hại tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, chỉ đạo tổ chức tín dụng trên 2 địa bàn này thực hiện giải pháp hỗ trợ theo đúng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước; tổ chức hội nghị trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng, qua đó thông tin chỉ đạo của ngành Ngân hàng, cùng các tổ chức tín dụng cung cấp chính sách, giải pháp, phối hợp với giải pháp từ bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy định rõ các cơ chế và trường hợp hỗ trợ khi gặp thiên tai, bão lụt. Chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, xem xét miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ...
Trong cơn bão này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy, các giải pháp là đồng bộ, rất tốt, giúp giảm những thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước đã đến với bà con vùng bão, đặc biệt Nghị quyết 143 đưa ra giải pháp trọng tâm giải quyết khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp chạy nước rút trong những tháng cuối năm. Do đó, ông Hoàng Quang Phòng mong rằng, chính sách có độ trễ nên cần có quy trình rút gọn, linh hoạt hơn để đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời. Ngân hàng chủ động chương trình khắc phục bão cần rút gọn hơn nữa, gói chính sách phải vào “ngay và luôn”, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nhìn dưới góc độ tích cực hơn, các chuyên gia nhìn nhận, thiên tai là điều không thể tránh khỏi, nhưng với sự chuẩn bị tốt, khả năng ứng phó nhanh chóng và sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước, người dân và doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, phục hồi cuộc sống và tiếp tục phát triển kinh tế. Để phát huy hết hiệu quả, các giải pháp hỗ trợ sau bão cần được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, và có tính dài hạn để tạo ra một cộng đồng vững vàng hơn trước những thách thức từ thiên tai trong tương lai.