Khi nào nên phát hành thêm cổ phiếu?
Chứng khoán bùng nổ là cơ hội để nhiều doanh nghiệp tận dụng phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu và phục vụ cho dự án đầu tư có tính dài hạn. Tiêu biểu là nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ.
Trong giai đoạn 2017-2018, nhiều ngân hàng đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn. Kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Trong khi hiện các ngân hàng đang áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II, thậm chí một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai Basel III. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn trong giai đoạn đại dịch.
Đó là lý do vì sao có tới 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong năm 2021. Cụ thể, tổng vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng, tăng 31% theo năm, trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18,3 nghìn tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; 2,6 nghìn tỷ đồng tăng 3% thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).
Nhóm ngành bất động sản cũng rục rịch phát hành cổ phiếu thay việc hút vốn thông qua kênh trái phiếu. Trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP được ban hành, việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ là phương thức được các công ty bất động sản ưa thích để tăng vốn trong 2020. Theo nghiên cứu của chứng khoán SSI, trong năm 2020 giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty bất động sản là 191 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm. Tuy nhiên từ đầu 2021 đến nay, giá trị phát hành mới của các công ty đại ốc mới chỉ đạt 53 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2021 thị trường chứng khoán thuận lợi hơn đối với nhóm 20 cổ phiếu bất động sản nhà ở lớn nhất. Theo nhận định của SSI Research, có 7 công ty lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, với số tiền dự kiến ban đầu là 18,7 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi. Trong khi đó, phần còn lại là kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức bằng cổ phiếu.
Việc phát hành thêm cổ phiếu còn được nhìn thấy trong kế hoạch của các công ty chứng khoán, bán lẻ (như Thế giới Di động). Một câu hỏi đặt ra liệu có phải lúc nào phát hành thêm cổ phiếu cũng mang lại giá trị?
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ví dụ có thêm vốn sẽ là giúp các doanh nghiệp củng cố năng lực tài chính cũng như có thêm nguồn lực để triển khai các dự án mới hay mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thêm doanh thu, lợi nhuận. Nhưng không phải không có những mặt trái. Việc sử dụng các phương án phát hành thêm cổ phiếu (ngoại trừ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu) khiến cho vốn chủ sở hữu phình to hơn. Trong trường hợp tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ (ROE) nhỏ hơn chi phí sử dụng vốn, thì các cổ đông thậm chí không thu được gì khi đầu tư vào công ty.
Theo tạp chí Harvard Busines Review, cơ bản có hai nguồn giá trị của cổ đông. Một là công ty tạo ra giá trị bằng cách duy trì mức chênh lệch dương giữa ROE và chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu, nghĩa là công ty tạo ra lợi nhuận vượt quá những gì nhà đầu tư yêu cầu từ các công ty cùng loại rủi ro. Hai là công ty tạo ra giá trị từ các cơ hội tăng trưởng (đầu tư vào tài sản mới) với mức độ lan tỏa dương.
Ngược lại, doanh nghiệp sẽ phá hủy giá trị khi mức chênh lệch giữa ROE và chi phí sử dụng vốn là âm. Nếu ROE được kỳ vọng sẽ duy trì dưới giá vốn chủ sở hữu, thì tăng trưởng nhanh hơn của doanh nghiệp chỉ đơn giản là đẩy nhanh tốc độ sụt giảm lợi ích của cổ đông.
Vì vậy, các nhà đầu tư nên cẩn trọng lựa chọn các ngành nghề lĩnh vực có xu thế tăng trưởng tốt, đồng thời ROE của doanh nghiệp phải tốt hơn chi phí sử dụng vốn cổ phần thì mới tham gia vào các đợt mua cổ phiếu phát hành thêm.