Khó khăn đang chờ ngân hàng trong phần còn lại của năm
Tuần qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với những con số tăng trưởng cao về tài sản, doanh thu, lợi nhuận… và cả tỷ lệ nợ xấu cũng tăng. Tuy nhiên, trong rất nhiều chỉ số về hoạt động kinh doanh của ngân hàng, thường con số về lợi nhuận được chú ý nhiều nhất.
Thông tin một số ngân hàng công bố về lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm: VPBank đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch cả năm; Techcombank báo lãi trước thuế hơn 14.100 tỷ đồng, thực hiện được hơn 52% kế hoạch lợi nhuận đề ra; MB thu về 11.920 tỷ đồng lợi nhuận, đạt trên 50% kế hoạch; MSB có tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch; BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 448 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022…
Ảnh minh họa. |
Nếu chỉ nhìn vào những con số này thì thấy hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn rất khả quan. Tuy nhiên, đây mới là kết quả kinh doanh của 6 tháng đầu năm, khi các ngân hàng hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Đây cũng là một phần “trái ngọt” từ những chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mà các ngân hàng đã nỗ lực triển khai ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Bên cạnh thu nhập lãi thuần, trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu (như VPBank, ACB, VietinBank và Sacombank...). Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, các ngân hàng sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước.
Thứ nhất, những tháng đầu năm doanh thu thuần của NHTM tăng do tín dụng tăng. Nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hoặc gần hết room tín dụng mà NHNN cấp. Tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13,6% của năm 2021 và 12% của năm 2020, trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, thì đây là sự cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng. Chỉ tiêu này đã được NHNN đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM cũng được tính toán, cân nhắc trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, cụ thể…”.
Từ định hướng này của NHNN, có thể thấy những tháng cuối năm, dư địa cho tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Điều đó có nghĩa lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại có thể không khả quan như những quý đầu năm. Chưa kể trong bối cảnh lãi suất huy động tăng song lãi suất cho vay lại khó tăng, dẫn đến NIM (chênh lệch lãi suất biên ròng) sẽ giảm.
Thứ hai, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn tăng song tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi sẽ không cao như trước. Vì khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản trầm lắng, tiền chảy về ngân hàng nhưng người dân sẽ gửi có kỳ hạn thay vì để trên tài khoản thanh toán chờ cơ hội “lướt sóng” như trước đây.
Một số tổ chức tín dụng cũng đang mở rộng hoạt động ngân hàng mở (Open Banking), thiết lập hệ sinh thái, tạo động lực để người dân chuyển tiền vào ngân hàng để thực hiện hoạt động thanh toán, nhưng việc này đòi hỏi có thời gian.
Như vậy, sẽ không còn nhiều ngân hàng thương mại tận dụng được nguồn vốn giá rẻ như giai đoạn trước. Chi phí huy động vốn tăng mà lãi suất cho vay không tăng tương ứng thì tất yếu lợi nhuận ngân hàng giảm.
Thứ ba, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã, đang thực hiện chính sách miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ để thu hút khách hàng nhằm “tích tiểu thành đại”, lấy số lượng khách hàng nhiều để bù đắp phần nào chi phí đã đầu tư. Song, nguồn thu từ dịch vụ chưa tăng như kỳ vọng. Việc này khiến ngân hàng phải tính toán giữa việc có thể tiếp tục duy trì chính sách miễn, giảm phí dịch vụ nữa hay không? Và nếu thực hiện thu phí thì thu ở mức nào, có thể giữ chân được khách hàng không khi mà người sử dụng dịch vụ lâu nay đã quen với việc được miễn phí.
Thứ tư, theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, nhiều ngân hàng thương mại đã đặt kế hoạch tăng mạnh vốn trong năm 2022 nhưng sẽ không dễ thực hiện. Việc tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2 và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) thông qua phát hành cổ phiếu sẽ gặp khó khăn do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh.
Thứ năm, nợ xấu vẫn tiềm ẩn gia tăng trong bối cảnh các quy định pháp lý liên quan sắp hết hiệu lực, trong khi thị trường mua bán nợ chưa hình thành. Việc xử lý nợ xấu cũ không thuận lợi, trong khi nợ xấu mới phát sinh sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro…