Khơi thông điểm nghẽn để doanh nghiệp miền Trung tận dụng FTA
“Đòn bẩy” từ hiệp định thương mại tự do
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết không chỉ là cầu nối đưa hàng hóa Việt vươn ra thế giới, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nội địa phát triển bền vững. Đối với khu vực miền Trung, nơi có nhiều tiềm năng nhưng còn hạn chế về hạ tầng và nguồn lực, các FTA đã mở ra cánh cửa mới, giúp doanh nghiệp từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế…
Tại TP. Đà Nẵng, ngành dệt may được xem là “lá cờ đầu” trong xuất khẩu, đóng góp khoảng 25-26% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Với khoảng 30 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp, ngành dệt may không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động mà còn đưa sản phẩm sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những sản phẩm chủ lực như quần áo may sẵn, nguyên phụ liệu dệt và sợi đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu phong phú của thị trường quốc tế.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đà Nẵng ước đạt 484 triệu USD, dù giảm 10,3% so với năm 2022 do biến động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, 10 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự phục hồi tích cực khi kim ngạch đạt 426 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tận dụng lợi thế từ các FTA và linh hoạt điều chỉnh chiến lược kinh doanh để vượt qua thách thức.
Một số doanh nghiệp thủy sản ở miền Trung đã tận dụng được FTA để gia tăng xuất khẩu. |
Trong khi đó, Quảng Nam cũng nổi lên như một điểm sáng, khi các doanh nghiệp thủy sản ở địa phương từng bước tận dụng ưu đãi FTA để gia tăng giá trị xuất khẩu. Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Nam, giai đoạn 2020-2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 88 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch đạt trên 15 triệu USD, với các mặt hàng chủ lực như bạch tuộc, cá ngừ steak, tôm đông lạnh và cá khô tẩm gia vị... Những sản phẩm này đã có mặt tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Trung Quốc, góp phần khẳng định thương hiệu thủy sản Quảng Nam trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Dù đạt được nhiều thành tựu, thực tế cho thấy doanh nghiệp miền Trung vẫn đối mặt với không ít khó khăn khi tận dụng các lợi thế từ các “FTA thế hệ mới” như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA.
Đơn cử, ngành dệt may Đà Nẵng, mặc dù đóng vai trò quan trọng, nhưng phần lớn vẫn xuất khẩu theo hình thức gia công, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ngoài FTA. Điều này, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa - yếu tố then chốt để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Ông Huỳnh Ngọc Anh Khoa, đại diện Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ chia sẻ, doanh nghiệp rất mong muốn tham gia hệ sinh thái tận dụng FTA nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định đầu vào. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp dệt may khi họ đang phải đối mặt.
Tương tự, ngành thủy sản Quảng Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Quy mô xuất khẩu nhỏ, giá trị gia tăng thấp và cơ sở hạ tầng chế biến lạc hậu là những trở ngại chính kìm hãm sự phát triển. Các doanh nghiệp thủy sản tại đây còn hạn chế trong việc áp dụng công nghệ cao, thiếu liên kết chặt chẽ và chưa khai thác tối đa các ưu đãi từ FTA…
Cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ FTA. |
Theo đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ FTA. Hệ sinh thái này cần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ở mọi cấp, các tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề và nhà cung cấp nguyên liệu. Đây sẽ là nền tảng giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn cố hữu như thiếu nguyên liệu đạt chuẩn, hạn chế thông tin thị trường...
Ngoài ra, việc hiện đại hóa hạ tầng logistics, giảm chi phí vận chuyển và tăng cường truy xuất nguồn gốc sẽ giúp nâng cao uy tín và chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Đối với ngành thủy sản, cần hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo quy trình không kháng sinh và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng khẳng định, đơn vị luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai hệ sinh thái tận dụng FTA. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Nếu những điểm nghẽn kể trên được tháo gỡ, không chỉ doanh nghiệp miền Trung mà cả nền kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, tận dụng triệt để những lợi thế mà các FTA mang lại. Đây không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là hành trình vươn lên khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.