Khơi thông dòng vốn xanh từ các ngân hàng
Việt Nam đang là một trong những quốc gia có lượng khí thải nhà kính cao nhất trên thế giới. Trong bối cảnh các quốc gia đang từng ngày nỗ lực giảm khí thải nhà kính và thực hiện các biện pháp thích ứng với tác động của việc biến đổi khí hậu, một phần của gói tài chính sẽ được dành riêng cho các dự án thân thiện với khí hậu, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi mô hình phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020…
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh, cụ thể: Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Ngân hàng đua“bung” tín dụng xanh
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, giai đoạn vừa qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai các gói tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các dự án phát triển bền vững, thân thiện với môi trường…
Nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai các gói tín dụng xanh |
Với hợp đồng cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD đầu năm 2020 với Tổ chức tài chính quốc tế IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín như Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)…, Ngân hàng VPBank vừa mở màn cho dòng vốn tín dụng xanh, mở ra một xu thế mới cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.Gói cho vay này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với VPBank và mở ra cơ hội tiên phong trên thị trường tài chính xanh tại Việt Nam.
Ngoài VPBank, trong năm 2019, nhiều tổ chức tín dụng đã cho vay các dự án xanh. Điển hình là Ngân hàng Vietinbank cho vay các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lựơng theo chương trình tín dụng môi trường EIB; chương trình tín dụng GCPF; Chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP. Ngân hàng ACB cho vay theo dự án tài chính nông thôn RDF; Sản phẩm cho vay có bảo lãnh từ Quỹ tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP. Ngân hàng Sacombank tham gia tài trợ các dự án cho vay nông thôn, lâm nghiệp; Cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình; Cho vay các dự án tái chế chất thải, năngng lượng tái tạo. Ngân hàng BIDV cho vay các dự án thủy điện; cho vay các dự án khu du lịch sinh thái...
Là ngân hàng thương mại dẫn đầu về cho vay nông nghiệp, nông thôn (nguồn vốn chiếm 51% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam) AgriBank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch. Chương trình tín dụng phục vụ “Nông nghiệp sạch” với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại…mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh thành công.
Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền đất nước: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Trong khối ngân hàng thương mại, HDBank cũng gây ấn tượng với việc đi đầu trong việc triển khai tích cực chương trình tín dụng xanh, hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến ngày 30/9/2019, HDBank đã dành khoảng 10.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án điện mặt trời thương mại và điện mặt trời áp mái tại Việt Nam với tổng quy mô dự án đạt 725 MWp. Ngoài ra, HDBank còn dành riêng 10.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với mong muốn thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo bước phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần kiến tạo một quốc gia khỏe mạnh hơn, hội nhập hơn.
Đại diện lãnh đạo ngân hàng này cho biết, thông qua chương trình tín dụng xanh, HDBank muốn cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất đồng thời hướng tới những giá trị bền vững, giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, giảm mạnh tiêu thụ điện lưới, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nam A Bank cũng đang ghi dấu ấn trong lĩnh vực xanh một cách ấn tượng. Theo đó, Nam Á là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam ký kết hợp tác với Qũy Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) nhằm cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.
Với chương trình tín dụng này, Nam A Bank giải ngân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung, dài hạn. Không chỉ có lãi suất hấp dẫn, mà điều kiện vay vốn tín dụng xanh được mở rộng nhiều hơn so với cách hiểu trước kia, theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng hơn.