HSBC tài trợ khoản tín dụng thương mại xanh đầu tiên trong lĩnh vực thủy sản
Là một quốc gia vùng nhiệt đới với đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam sở hữu tất cả lợi thế và tiềm năng để phát triển một ngành thủy sản trù phú. Ngành thủy sản đóng góp gần một phần tư của GDP ngành nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới và sản lượng xuất khẩu thủy sản đứng thứ tư. Tuy nhiên, thế mạnh của Việt Nam trong ngành thủy sản có thể suy giảm nhanh chóng khi Việt Nam được cảnh báo là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Theo ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động, bao gồm cả ngành thủy sản, là ưu tiên hàng đầu của HSBC tại Việt Nam.
“Trọng tâm chiến lược của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam có tầm nhìn và kế hoạch phát triển bền vững rõ ràng như Vĩnh Hoàn. Là một đối tác ngân hàng quan trọng với mối quan hệ chiến lược kéo dài 24 năm, HSBC rất vui mừng và tự hào khi được đồng hành cùng Vĩnh Hoàn trong hành trình theo đuổi, chuyển mình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác trên thị trường tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh” ông Ahmed Yeganeh chia sẻ.
Để có thể nhận được khoản tín dụng thương mại xanh ngắn hạn nhằm hỗ trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất thủy sản bền vững, Vĩnh Hoàn và các công ty con đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng nghiêm ngặt về tài chính bền vững của HSBC. Đồng thời, khoản tín dụng xanh này cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Nguyên tắc Tín dụng Xanh quốc tế do Hiệp hội thị trường cho vay (Loan Market Association) và Hiệp hội thị trường cho vay Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association) phối hợp ban hành.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Vĩnh Hoàn, cho biết, việc Vĩnh Hoàn theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản suốt nhiều năm qua giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải và tạo ra giá trị từ các phụ phẩm. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đạt các chứng nhận quốc tế của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC CoC) và Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (BAP). Đó là những yếu tố chính giúp chúng tôi thành công nhận được khoản vay thương mại xanh này. Tôi hy vọng khởi đầu này sẽ mở ra nhiều sự hợp tác bền vững hơn nữa giữa hai tổ chức trong thời gian tới”, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm tin tưởng.
Thỏa thuận tín dụng xanh đầu tiên trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản này đã thể hiện những nỗ lực của HSBC trong cam kết xanh khi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ở đa dạng ngành nghề, bao gồm bất động sản, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu, nhựa tái chế, giấy tái chế,... trong hành trình chuyển đổi xanh. Khoản vay này cũng là minh chứng cho thấy các sản phẩm ngân hàng bền vững đa dạng của HSBC có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng khác biệt và phức tạp của doanh nghiệp.