Không có chuyện “giãn thời hạn xử lý sở hữu chéo”
Hạn chế rủi ro từ sở hữu chéo | |
Khi ngân hàng thoái vốn | |
Xử lý triệt để sở hữu chéo, ngăn nợ xấu phát sinh |
Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin là NHNN đề xuất giãn thời hạn giải quyết việc sở hữu chéo của cổ đông lớn đến ngày 30/6/2019 khi nói về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật Các TCTD (Thông tư 06).
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên những ý kiến trên có lẽ đang hiểu nhầm ý nghĩa của Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06. Còn nhớ ngày 20/11/2017, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14), trong đó có bổ sung vào Khoản 3, Điều 55 Luật Các TCTD một quy định mới, đó là: “Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác”, bên cạnh quy định trước đây là “Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD”.
Luật Các TCTD sửa đổi cũng giao cho NHNN hướng dẫn cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14.
Chính vì vậy, NHNN đã xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06 để hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
Theo đó, Dự thảo Thông tư bổ sung Điều 2a. quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp nhóm cổ đông lớn có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn vào sau Điều 2 của Thông tư 06. Cụ thể: TCTD khác phối hợp với cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan (gọi tắt là nhóm cổ đông lớn có liên quan) của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 30/6/2019 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung)...
Cần nhớ rằng, đây là một nội dung hoàn toàn mới được bổ sung thêm vào Thông tư 06 chứ không phải thay thế cho các quy định trước đây. Có nghĩa, trường hợp sở hữu cổ phần vượt quá quy định khác vẫn phải tuân thủ theo quy định cũ tại Điều 2 của Thông tư 06.
Có thể khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của NHNN là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, tình trạng thao túng của cổ đông lớn và người có liên quan. Trên thực tế, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao của NHNN, tình trạng sở hữu chéo đã được giảm thiểu.
Cụ thể, theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối năm 2017, từ con số 7 cặp NHTM có tỷ lệ sở hữu chéo lẫn nhau (vào cuối năm 2015) đã giảm chỉ còn 2 cặp. Đến thời điểm hiện tại, trong toàn hệ thống ngân hàng không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn của một ngân hàng. Bên cạnh đó, số lượng TCTD sở hữu hơn 15% vốn của các doanh nghiệp cũng đã giảm từ 19 trường hợp (năm 2012) xuống còn 4 trường hợp vào cuối năm 2017.
Quay trở lại với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06, NHNN khẳng định trong Bản thuyết minh là “nhằm tạo cơ sở pháp lý góp phần ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo, minh bạch hóa nguồn vốn góp của cổ đông của TCTD và người có liên quan của cổ đông đó”.
Tại Dự thảo Thông tư, NHNN cũng đề xuất chế tài xử lý khá nghiêm đối với trường hợp vi phạm quy định “Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác”, tương tự như đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt quá quy định khác được quy định tại Thông tư 06.
Còn với thời hạn 30/9/2019, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, do đây là một nội dung hoàn toàn mới nên cần phải có thời gian để những trường hợp sở hữu vượt giới hạn tìm kiếm đối tác chuyển nhượng cổ phần và không ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD cũng như thị trường. Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng rất đồng tình với thời hạn này.