Khi ngân hàng thoái vốn
Nếu dự thảo Luật các TCTD được thông qua thì sở hữu chéo sẽ được xử lý triệt để | |
Vietcombank thoái toàn bộ vốn tại Công ty tài chính Xi Măng | |
Xử lý triệt để sở hữu chéo, ngăn nợ xấu phát sinh |
Agribank vừa thông báo về việc bán vốn tại Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam – CTCP (AJC) qua việc bán đấu giá hơn 12,6 triệu cổ phần AJC với giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phần; thoái vốn tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam và bán Công ty Cho thuê tài chính I Agribank (ALCI) do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết NH này cũng đang tích cực triển khai kế hoạch thoái vốn tại các NH, công ty tài chính theo quy định của Nhà nước. Hôm 20/11, Vietcombank đã thoái toàn bộ vốn thành công ra khỏi SaigonBank và Công ty Tài chính xi măng (CFC). Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Vietcombank đã chào bán hơn 13,2 triệu cổ phần của SaigonBank ra công chúng với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần. Có tới 20 nhà đầu tư (NĐT) tham dự và khối lượng đăng ký mua gấp hơn 4 lần khối lượng chào bán với giá đặt mua cao nhất lên tới 20.100 đồng/cổ phần.
Ảnh minh họa |
Kết quả, Vietcombank đã bán toàn bộ số cổ phần tại SaigonBank với giá cao nhất và thu về được hơn 266 tỷ đồng chênh lệch so với giá trị tại mức giá khởi điểm đạt 100 tỷ đồng. Ngoài ra, NH này thu về được 76 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại CFC với giá bán cao hơn giá khởi điểm 5 đồng khi giá đấu thành công bình quân là 11.554 đồng/cổ phần. Như vậy, Vietcombank đã thu về tổng số tiền hơn 342 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi SaigonBank và CFC. Lãnh đạo của BIDV cũng cho biết, NH này đang tiếp tục thực hiện thoái vốn ra khỏi DN ngoài ngành. Trong mấy năm vừa qua, BIDV cũng là một trong những NH tích cực thực hiện thoái vốn.
Việc các NHTM Nhà nước tích cực thực hiện thoái vốn trong giai đoạn này được đánh giá khá hợp lý. Có hai lý do chính đáng cho động thái này được TS. Võ Trí Thành đề cập tới đó là thực hiện lộ trình thoái vốn DN ngoài ngành theo lộ trình của Chính phủ và NHNN. Lý do quan trọng nữa, đây là thời điểm rất thuận lợi cho các NH thực hiện thoái vốn khi mà kinh tế vĩ mô tốt hơn, sức khỏe cũng như hình ảnh của hệ thống NH trong mắt NĐT cũng được cải thiện rõ rệt, TTCK lại đang tăng điểm mạnh… Có thể so sánh vụ BIDV thoái vốn khỏi NH VID – Public vào năm 2016 đã giúp NH thu lãi được 850 tỷ đồng.
Tuy việc thoái vốn diễn ra chậm hơn kế hoạch ban đầu song đó là do tình hình, bối cảnh chung của cả nền kinh tế chứ không riêng gì ngành NH. Khi đó, các NH đang trong giai đoạn tái cơ cấu, một số NH ngỏ ý bán bớt phần vốn đầu tư ngoài ngành nhưng đã không tìm được người mua. Hơn nữa, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều khó khăn lúc đó, dục tốc chắc chắn sẽ bất đạt.
TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số khó khăn khách quan dẫn đến sự chậm trễ trong việc thoái vốn của NH như lúng túng trong xây dựng và phê duyệt các Đề án thoái vốn của các DNNN. Cản trở lớn nhất đối với thoái vốn DNNN chính là từ yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư trong bối cảnh TTCK không thuận lợi. Dù rằng NH rất quyết tâm trong quá trình thoái vốn nhưng phải gắn với nhiệm vụ bảo toàn vốn, không được bán vốn dưới giá trị sổ sách dẫn đến tâm lý e ngại. Và các NH rất khó tìm đối tác để thoái vốn trong bối cảnh TTCK ảm đạm. “Tuy nhiên, đây là chủ trương chung và các NH đang có điều kiện cơ bản thuận lợi thì không nên kéo dài việc thoái vốn. Nhất là đối với các khoản đầu tư tại các DN làm ăn yếu kém không hiệu quả”, TS. Lực nêu quan điểm.
Hơn nữa, nền kinh tế đang khởi sắc, các TCTD vượt qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ đã trở nên "có giá" hơn. Điển hình thương vụ Vietcombank thoái vốn khỏi SaigonBank. Khối lượng đặt mua gấp 4 lần so với chào bán cho thấy khi hình ảnh NH tốt hơn, các NĐT hào hứng tham gia và khả năng thoái vốn thành công là rất cao. Mặt khác việc tiến hành tái cơ cấu giai đoạn II cũng khiến các NH không thể trì hoãn mãi việc thoái vốn được nữa, nhất là khi thị trường đang có nhiều yếu tố thuận lợi như hiện nay.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành tiết lộ, dù được phép sở hữu cổ phần tại 2 TCTD nhưng từ nay đến hết quý I/2018, NH sẽ thoái toàn bộ vốn tại tất cả các TCTD mà Vietcombank đang nắm giữ. Riêng việc bán cổ phần tại MB và Eximbank, ông Thành tính toán, lợi nhuận Vietcombank thu về dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Đánh giá tích cực động thái trên, nhưng một chuyên gia NH cho rằng, các NH khác cân nhắc tùy vào mục tiêu chiến lược của mình chứ không nhất thiết phải thoái toàn bộ vốn tại các đơn vị ngoài ngành mà vẫn có thể giữ lại theo quy định cho phép. Bởi có những khoản đầu tư vẫn hiệu quả thì NH vẫn nên duy trì. Nhất là ở những NH nhỏ dù hoạt động tốt nhưng họ vẫn cần có sự hỗ trợ thêm tiềm lực về vốn, năng lực quản trị của những NH quy mô lớn hơn.
Tất nhiên trong quá trình triển khai có NH thoái vốn thành công, cũng có NH sẽ gặp trở ngại. Nhưng tinh thần chung việc các NH đang nỗ lực thực hiện thoái vốn ra khỏi các TCTD được các chuyên gia NH đánh giá tích cực đẩy nhanh lộ trình thực hiện Đề án 1058 tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đồng thời sớm hiện thực hóa cam kết của tư lệnh ngành NH Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trước các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. NHNN đã và đang chỉ đạo, xử lý vi phạm về sở hữu chéo thông qua nhiều giải pháp như yêu cầu chuyển nhượng bớt cổ phần, thoái vốn khỏi các TCTD giúp hệ thống NH hoạt động ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn.