Khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp
Một trong những startup khá thành công trong lĩnh vực nông nghiệp là FoodMap - nền tảng thương mại điện tử chuyên về nông sản đã trở thành một thương hiệu mạnh trong cung ứng nông sản, thực phẩm sạch, có nguồn gốc. FoodMap chuyên kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng tại Việt Nam. Startup này hợp tác với nông dân từ khâu đầu tiên để có được nguồn nông sản thực sự sạch. Sau đó là quảng bá và phân phối để có đầu ra tốt hơn, giá trị nông sản cao hơn.
Nhà sáng lập FoodMap Phạm Ngọc Anh Tùng chia sẻ, sau hơn 3 năm vận hành, FoodMap hiện đang cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất nông nghiệp trên toàn Việt Nam. Khách hàng của FoodMap bao gồm cả các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đã từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành thương mại điện tử về nông sản, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 năm nay.
Trong năm 2021 vừa rồi, FoodMap đã xuất khẩu một số mặt hàng nông sản có giá trị cao đi Singapore, Malaysia và đầu năm 2022 đã ký kết hợp tác với Sesofoods (Nhật Bản) để đưa nông sản Việt vào thị trường này. Đồng thời, FoodMap cũng hỗ trợ đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, hay thậm chí là Amazon… Với những thành quả này, FoodMap đã được vinh danh là startup tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ do tổ chức RiceBowl (Malaysia) bình chọn.
Startup trong nông nghiệp đang là lĩnh vực nhiều tiềm năng |
Đầu năm 2022, FoodMap cũng đã công bố gọi vốn thành công 2,9 triệu USD vòng pre-series A để mở rộng quy mô hoạt động. Anh Phạm Ngọc Anh Tùng nhấn mạnh, sự quan tâm của các quỹ đầu tư vào FoodMap đã phần nào cho thấy xu hướng rót vốn của họ có sự thay đổi. Thay vì ưu tiên vào những startup công nghệ cao như trước, họ đã dần quan tâm hơn những doanh nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng đây sẽ là bước đệm cho sự tăng trưởng đột phá của FoodMap trong vòng 2 năm tới. Đây cũng là tín hiệu cho thấy lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp, nhất là các startup.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu thu được những kết quả nhất định, thổi một làn gió mới vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả… Tuy nhiên, để khởi nghiệp trong lĩnh vực này thành công đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược kinh doanh mới ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nâng cao giá trị, phát triển bền vững cho các sản phẩm/dịch vụ của mình.
Trên thực tế, startup nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các ngành, lĩnh vực khác, tuy rất nhiều tiềm năng. Theo đánh giá của các chuyên gia, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi cần phải đầu tư dài hơi và chịu nhiều tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài. Cho đến nay, đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 10% tổng số vốn đầu tư của các quỹ. Tuy vậy, đây là một lĩnh vực rất tiềm năng bởi nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hiện nhu cầu mới của thị trường nông sản trong nước và thế giới rất lớn. Đây là cơ hội để các startup tìm kiếm và có những giải pháp sáng tạo trong tiếp cận khách hàng tiềm năng, nhà đầu tư, chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, ngoài niềm đam mê và quyết tâm, các startup cần phải xây dựng được chiến lược lâu dài và phải làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất. Đồng thời, cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các startup đầu tư vào lĩnh vực này.