Kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giữ nền tảng vĩ mô ổn định, giúp kinh tế tăng trưởng cao
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị - Hoàng Giáp |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian đến dự và chỉ đạo Hội nghị, đồng thời sự có mặt của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương thể hiện sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, địa phương tới NHNN và hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 30 và 31/12/2019, trong Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá đầy đủ những kết quả ấn tượng về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019. Và ngành Ngân hàng rất tự hào khi đã đóng góp vào thành công chung của Chính phủ.
“Những kết quả tích cực của kinh tế - xã hội năm 2019 là nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ trong năm vừa qua và tôi nhắc lại ở đây để hệ thống ngân hàng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về thành công trong điều hành của Chính phủ, Thống đốc khẳng định, năm 2019, Chính phủ luôn điều hành kiên định, nhất quán, giữ vững lập trường chính sách nhưng cũng rất chủ động, linh hoạt để bám sát diễn biến thế giới và trong nước, nhờ vậy chúng ta đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao, tạo môi trường kinh doanh cho các thành phần kinh tế trong đó có hệ thống ngân hàng.
Qua đó, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào năng lực hoạch định, thực thi chính sách được nâng cao, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Cũng trong điều hành năm 2019, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch và ban hành Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 ngay từ ngày đầu năm chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý và đã đạt được những kết quả tích cực. Năm vừa qua, Chính phủ đã thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính…
Về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần vào kiểm soát lạm phát.
“Chúng ta đã điều hành tốt nên lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, giữ nền tảng vĩ mô ổn định, tạo dư địa cho Chính phủ, các bộ ngành điều hành giúp kinh tế tăng trưởng tốt”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thành công nữa theo Thống đốc là chúng ta cũng kiểm soát được mặt bằng lãi suất ổn định và thời điểm phù hợp đã điều chỉnh lãi suất điều hành, giảm được lãi suất cho vay; Cân đối hài hòa giữa người vay và người gửi tiền, nguồn vốn đảm bảo để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Một điểm nhấn nữa trong điều hành CSTT được Thống đốc nêu tại Hội nghị là chúng ta giữ ổn định tỷ giá, tăng lượng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức rất lớn 79 tỷ USD - là tấm đệm phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Năm vừa qua một việc rất thành công nữa của NHNN là cùng với các bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã phối hợp rất chặt chẽ làm việc với các đối tác thương mại để chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin, trao đổi cung cấp nội dung về điều hành CSTT để khẳng định với các đối tác thương mại là Chính phủ Việt Nam cũng như Ngân hàng Trung ương chưa và sẽ không bao giờ có ý định dùng chính sách tiền tệ nói chung cũng như chính sách tỷ giá để tạo cạnh tranh thương mại không lành mạnh không công bằng với các đối tác. Vì tất cả hoạt động điều hành của NHNN là đều vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và theo diễn biến của thị trường.
“Điểm thứ tư là điều hành tăng trưởng tín dụng rất hợp lý”, Thống đốc chia sẻ. Tín dụng năm nay theo ước tính tăng khoảng xấp xỉ 14 %. Như vậy tính đến nay hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng rất lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn chất lượng và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Theo Thống đốc, chất lượng tín dụng được thể hiện ở đây là trong giai đoạn 2001-2010 tín dụng tăng bình quân khoảng 30% nhưng GDP bình quân tăng 6,82%, như vậy tăng tín dụng/GDP bằng 4,4 lần trong giai đoạn này và cá biệt có giai đoạn 2007 bằng khoảng 5,3 lần, tức là 5 lần tăng tín dụng mới đạt được 1% GDP.
Trong giai đoạn 2016 đến nay thì tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm. Đặc biệt năm 2018, 2019 đã xuống dưới hai lần. Dự kiến năm nay và năm tới đây chúng tôi cũng sẽ điều hành để thấy là hiệu quả của tín dụng đã được tăng cường và củng cố. GDP tăng cao chúng ta không đi kèm với mở rộng tín dụng, chúng ta kiểm soát chặt chẽ, tốc độ, chất lượng và quy mô tín dụng cũng như cơ cấu tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong năm 2019, NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để xử lý những vấn đề tín dụng cho một số ngành trong lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu như lúa gạo, thủy sản. Cơ chế phối hợp chặt chẽ như vừa rồi đã đạt được hiệu quả, xử lý được tiếp cận nguồn vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp.
Đề cập đến hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng đảm bảo an toàn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, năm vừa qua NHNN đã kiện toàn mô hình mới của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và không gây tác động đến hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, vẫn đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động của tổ chức tín dụng.
Hoạt động thanh tra giám sát được đẩy mạnh, ý thức chấp hành kỷ cương kỷ luật của tổ chức tín dụng cũng được nâng lên rõ rệt. Đi kèm với việc xử lý nợ xấu cũng đã được hiệu quả hơn.
Hiện nay, ước tính đến cuối năm 2019 nợ xấu và tất cả các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu chỉ khoảng 4,59% thấp hơn rất nhiều so với số nợ xấu báo cáo với Quốc hội đầu nhiệm kỳ là 10,08%; Yêu cầu nợ xấu năm 2019 và các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu dưới 5% đã đạt được là trên 4,5% và năm 2020 chúng ta quyết tâm đưa nợ xấu, các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu xuống dưới 3%.
“Một trong những nội dung mà chúng ta đã làm tốt trong năm qua là công tác cải cách thủ tục hành chính”, Thống đốc nói thêm. Trong đó, bốn năm liên tiếp NHNN đều đứng đầu các bộ về chỉ số cải cách thủ tục hành chính; Ngân hàng Thế giới đã đánh giá chúng ta tăng và đứng thứ 25, thể hiện chất lượng cải cách hành chính của NHNN không chỉ trong nội bộ của NHNN mà còn chỉ đạo việc cải cách nâng cao thủ tục hành chính giữa NHNN với các tổ chức tín dụng và thủ tục hành chính của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và doanh nghiệp để tiếp tục tiết kiệm chi phí và nâng cao năng tiếp cận vốn cho ngân hàng.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Hoàng Giáp |
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ để thực hiện những nội dung đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 vừa mới ký. “Chúng tôi nhận thấy hệ thống ngân hàng bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng phải nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc nhìn vào những mặt chưa được, những kết quả còn tồn tại hạn chế kể cả yếu kém của hệ thống ngân hàng để qua đó tiếp tục khắc phục và chấn chỉnh xử lý trong thời gian tới”, Thống đốc phát biểu.
Thứ nhất, về công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến rất phức tạp và khó lường đòi hỏi năng lực dự báo, hoạch định cũng như chủ động trong các phương án điều hành cần phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ hai, cần phải tiếp tục nỗ lực và tập trung các biện pháp để tăng cường hiệu quả chất lượng tín dụng một cách bền vững và hạn chế nợ xấu phát sinh, chuyển dịch cơ cấu tín dụng. Chúng ta làm tốt việc này cũng hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành chuyển đổi cơ cấu các ngành và lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ngành công thương và ngành nông nghiệp, trong bối cảnh chúng ta vẫn phải đảm bảo tuyệt đối cung ứng đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội đạt được mục tiêu của Chính phủ và Quốc hội đã đề ra.
Thứ ba, công tác thanh tra giám sát, mặc dù đã được tăng cường cả về chất lượng và hiệu quả trong thời gian vừa qua nhưng chúng tôi cho rằng đây là lĩnh vực NHNN tiếp tục chỉ đạo tăng cường và củng cố cả về thanh tra trung ương và các chi nhánh, chất lượng của công tác thanh tra cần phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Đi kèm với đó là phải tập trung thực hiện xử lý nợ xấu. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu, vì vậy cần tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD để đạt được theo Quyết định 1058 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy cho hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật bảo hiểm tiền gửi để báo cáo Chính phủ, Quốc hội phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng của ngân hàng tuyệt đối an toàn.
Cuối cùng là công tác truyền thông - tuyên truyền. "Trong lĩnh vực ngân hàng là hoạt động hết sức nhạy cảm nên công tác truyền thông cần lưu ý triển khai quyết liệt và bài bản trong thời gian tới", Thống đốc yêu cầu.