Kiến tạo thị trường vốn lành mạnh, minh bạch hơn
Phát biểu tại Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động bất thường và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ đã điều hành linh hoạt các chính sách với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phục hồi phát triển kinh tế.
Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 7 tháng đầu năm 2022 đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân đạt gần 11,6 tỷ USD tăng 10,2% so với cùng kỳ, là mức cao nhất trong 7 tháng đầu năm tính từ năm 2018 đến nay. Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát cao thì lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, chỉ số CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều được giữ ổn định.
Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng được các định chế, tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới ghi nhận. World Bank mới đây tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7,5% trong năm nay, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%. Tuy nhiên, cùng với đà tăng tốc của kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức.
Chỉ ra những rủi ro thách thức này ông Thành nhấn mạnh về rủi ro lạm phát gia tăng, khó khăn về nguồn vốn là những vấn đề doanh nghiệp phải đương đầu trong thời gian tới. Trong khi đó, do những chính sách “nắn chỉnh” thị trường theo định hướng đi vào ổn định, để phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, thị trường trái phiếu đang trong giai đoạn chờ đợi những chính sách mới, khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể lên kế hoạch huy động vốn cho hoạt động đầu tư, phát triển năm 2022 và xa hơn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư FIDT cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, trong khi tăng trưởng tín dụng đang được kiểm soát chặt để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Vì vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến quản trị tài chính cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần.
Thực tế, thời gian qua thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, vốn hóa trên ba sàn chứng khoán HoSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD. Hiện mức độ vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ ba khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp huy động vốn thành công trên thị trường chứng khoán hoặc M&A rất quan trọng. Thống kê cho thấy, hai năm qua có nhiều doanh nghiệp IPO thành công trên thị trường chứng khoán, giảm phần nào phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực nhận định, những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực thi các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi đang được đặt lên hàng đầu. Hơn lúc nào hết, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang phục hồi, nguồn lực vốn vẫn là đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp tiếp đà tăng tốc. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tối ưu hóa nguồn vốn tài chính của mình, cũng là kỳ vọng thiết thực của đại đa số doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Về bài toán vốn cho doanh nghiệp, hiện nay thị trường vốn đang có nhiều kênh khác nhau, bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu…), huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, fintech, quỹ đầu tư…), vốn tự có, nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác. Ngoài ra, còn một dòng vốn quan trọng với doanh nghiệp là thuê tài chính, đây là kênh quan trọng của các doanh nghiệp SMEs trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu. Đặc biệt kênh tài chính xanh cũng đáng chú ý khi Việt Nam có những cam kết quan trọng tại COP26. Nhiều nhà đầu tư đã và đang quan tâm hơn đến kênh này. Còn đối với nguồn vốn ngân sách trong năm nay và năm tới, doanh nghiệp cần lưu tâm hơn về gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong vòng hai năm với tổng lượng khoảng 347 ngàn tỷ đồng”, TS. Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để có thể phát triển vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, thị trường có nhiều biến động, TS. Lực khẳng định, trước tiên về phía các doanh nghiệp, cần đa dạng hóa kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính. Doanh nghiệp khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp với mục tiêu bản thân doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả vốn khi huy động thành công. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, cũng như quan tâm quản lý rủi ro tài chính về lãi suất, tỷ giá...
Bên cạnh đó, đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn. Quan trọng nhất là Chính phủ cần nêu rõ quan điểm vì sự phát triển cân bằng, kiến tạo thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch, đồng thời kiểm soát rủi ro, tận dụng được các cơ hội trong thời kỳ mới.