Kinh tế hợp tác xã nâng cao giá trị hàng hóa
Dự kiến 38.800 tỷ đồng hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 | |
Nâng cao vị thế cho QTDND qua cung ứng dịch vụ | |
Cơ hội quảng bá sản phẩm cho các hợp tác xã |
Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp Hội Nông dân, nhiều hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tích cực tham gia các HTX để liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn từ 2017 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã trực tiếp cũng như phối hợp với ngành chức năng vận động, hướng dẫn thành lập được 132 HTX, nâng tổng số HTX toàn tỉnh Gia Lai lên 230.
Nhiều nông hộ đã liên kết với HTX để nâng giá trị cho hàng hóa nông sản |
Hầu hết các HTX này đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia. Trong số đó, tiêu biểu là HTX Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An, thị xã An Khê) với 52 thành viên. HTX này chuyên trồng các loại rau thủy canh khá hiệu quả, với mỗi diện tích 500m2, đạt sản lượng 600kg rau/tháng, bán ra thị trường với giá 30-40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu lợi khoảng 120 triệu đồng/năm.
Không riêng Hội Nông dân, chính quyền các địa phương của Gia Lai cũng rất quan tâm đến sự phát triển mô hình kinh tế HTX. Đơn cử, HTX Dịch vụ - Sản xuất- Kinh doanh nông - lâm nghiệp Long Hưng (huyện Chư Pưh) là một trong 3 HTX được chính quyền chọn làm điểm để xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, HTX đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Phang sản xuất 100ha lúa nước bằng giống Ma Lâm 48 và 20ha bằng giống J02. Các hộ tham gia được HTX hỗ trợ 70% chi phí sản xuất, sản phẩm sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ. Với giá 5.000 đồng/kg lúa giống Ma Lâm 48 và 10.000 đồng/kg lúa giống J02, bà con thu lãi 25-40 triệu đồng/ha.
Ông Võ Ngọc Giàu, Phó Giám đốc HTX chia sẻ, HTX được thành lập vào tháng 7/2017, đăng ký hoạt động trên 10 lĩnh vực gồm chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ kèm theo. Hiện HTX hoạt động khá hiệu quả, mang lại lợi ích cho các xã viên. Nổi bật nhất là mô hình cánh đồng lúa một giống được HTX tập trung đầu tư. Vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX liên kết với các hộ sản xuất 33ha lúa giống J02. Đây là giống lúa mới có chất lượng gạo tốt đang được thị trường ưa chuộng, ước tính, năng suất bình quân đạt 5-5,5 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, HTX sẽ thu mua với giá 10 ngàn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giống Ma Lâm 48, giúp nông dân có thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích. Vụ mùa sắp tới, HTX tiếp tục vận động người dân liên kết sản xuất giống lúa J02, dự kiến mở rộng thêm khoảng 70ha.
Hay như HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong) và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) được huyện Chư Pưh chọn làm điểm trong mô hình vừa làm dịch vụ gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện 2 HTX này liên kết với 50 hộ nông dân ở các xã Ia Blứ, Ia Rong, Ia Hrú, Ia Hla trồng 15ha mít Thái, 10ha sầu riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Dự kiến đến năm 2021 sẽ cho thu hoạch. Đây là những mô hình điểm mà huyện Chư Pưh chọn để triển khai việc đầu tư liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi để nâng cao giá trị hàng hóa cho cây trồng chủ lực tại địa phương.
Để đạt được những kết quả khả quan từ các mô hình kinh tế HTX, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, việc tìm một hướng đi chung cho các HTX đang được địa phương đặt ra nhằm tạo tiền đề cơ bản để vận động xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với HTX, giữa HTX với DN cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đến nay Chư Pưh đã xây dựng và phát triển được 22 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, lãnh đạo huyện đã có chủ trương tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, ưu tiên phát triển gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Theo ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, để các HTX đi đúng định hướng và làm ăn hiệu quả, huyện đã mời các chuyên gia về truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp xây dựng, phát triển HTX kiểu mới để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Về phía mình, đại diện Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, việc chú trọng xây dựng mô hình kinh tế HTX đã mang lại nhiều thuận lợi cho các hội viên, thay đổi tư duy từ làm ăn đơn lẻ, chuyển sang hướng sản xuất chuyên nghiệp, tạo thương hiệu, tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Thực tế, tại Gia Lai đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao…
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tích cực đẩy mạnh và nâng cao chất lượng mô hình kinh tế HTX, chuyển nhanh, mạnh từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang công nghệ tiên tiến. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, để phát triển mô hình HTX hiệu quả hơn, chính quyền địa phương cần quan tâm, có chiến lược phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo chiều sâu, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị theo Luật HTX năm 2012. Đồng thời, chú trọng xây dựng, nhân rộng các HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp để gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.