Nâng “chất” cho nông nghiệp tuần hoàn
Mô hình kinh doanh bao trùm: Hóa giải thách thức phát triển nông nghiệp bền vững Tiếp vốn cho nông dân làm kinh tế |
Đẩy mạnh liên kết, ứng dụng công nghệ cao
Sớm nhất có thể kể đến mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC), mô hình VAC kết hợp rừng (VACR) đã triển khai rộng rãi từ những năm 1980. Tiếp đó là mô hình chăn nuôi kết hợp biogas; mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp, ví dụ như nuôi bò – trồng ngô, trồng lúa – nuôi cá, hay mô hình ứng dụng hệ thống lọc tuần hoàn RAS trong nuôi thủy sản được áp dụng rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long... Chia sẻ tại Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Đào Thị Hoàng Mai, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa nông nghiệp của tương lai thì những mô hình sản xuất kết hợp trên, thường ở quy mô hộ gia đình, chỉ có thể coi là mức độ sơ khai của nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, thiếu vắng bóng dáng của khoa học kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất.
Cần xác định KTTH là giải pháp quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp |
Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần giải quyết bài toán tiết giảm chi phí sản xuất, hướng tới xuất khẩu, mà còn là điểm tựa để giải quyết bài toán phụ phẩm trong ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, ước tính tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp là gần 160 triệu tấn, trong đó hơn một nửa là phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; gần 40% là chất thải gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi. Theo Cục Chăn nuôi thống kê, năm 2022 có tới hơn 80% phụ phẩm này chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường. Chỉ có khoảng hơn 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc.
"Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn cần gắn kết với nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng ở quy mô trang trại và thúc đẩy các liên kết với doanh nghiệp", TS. Đào Thị Hoàng Mai, khuyến nghị.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn khi chưa có những chính sách riêng cho nông nghiệp tuần hoàn mà chỉ có những định hướng, chính sách chung cho mô hình KTTH. TS. Trần Thị Tuyết - Viện Địa lý Nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra một số khó khăn trong triển khai KTTH như khung chính sách về phát triển KTTH chưa được hoàn thiện, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện mô hình KTTH; việc tổ chức triển khai chuyển đổi mô hình KTTH trong nông nghiệp còn mang tính cục bộ; chưa có cơ quan đầu mối và chính sách dành riêng cho phát triển mô hình nên chưa huy động được tất cả các thành phần trong xã hội tham gia...
Giải quyết “điểm nghẽn” về chính sách và tư duy
TS. Trần Thị Tuyết cũng chỉ ra một trong những “điểm nghẽn” của quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất là người lao động, nhất là nông dân, vẫn duy trì thói quen sản xuất truyền thống, trình độ thấp, mang nặng tư duy sản xuất nhỏ lẻ. Kết quả phân tích chất lượng nhân lực theo các tiêu chí về năng lực cần có của người lao động đáp ứng phương thức sản xuất của VietGAP tại tỉnh Hà Tĩnh (2024) cho thấy, mặc dù các cấp chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi phương thức trồng trọt theo hướng xanh, tuần hoàn, tuy nhiên, có đến 86% số người được hỏi không áp dụng phương thức canh tác theo kỹ thuật mới, và chưa đến 4% số lượng lao động vận dụng kiến thức, kỹ năng từ các lớp tập huấn vào thực tiễn.
"Để nhân rộng các mô hình KTTH trong nông nghiệp và hạn chế thách thức đang hiện hữu cần thực hiện tổng thể các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, hướng đến nền kinh tế không chất thải, trung hòa carbon vào năm 2050. Trong đó, cần thay đổi nhận thức và tư duy thực hiện KTTH trong nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng nhất để từng bước nhân rộng, hiện thực hóa các mô hình KTTH trong nông nghiệp. Tư duy phát triển cần đảm bảo tính hệ thống, tổng hợp từ giai đoạn quy hoạch, kế hoạch phát triển lãnh thổ, thiết kế sản xuất phải có tính kết nối theo quy trình khép kín", TS. Trần Thị Tuyết khuyến nghị.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan quản lý và ngành nông nghiệp cần xác định phát triển KTTH là giải pháp quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, cải thiện cạnh tranh, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ trong phát triển KTTH, ưu tiên triển khai các chính sách có tính đột phá để tạo môi trường đầu tư theo chu trình khép kín, “tuần hoàn”, tối ưu hóa nguồn lực. Trong đó, chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ xanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, bảo tồn tài nguyên môi trường; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất; ưu tiên ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; thí điểm Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn.