Kinh tế xanh không thể chỉ dựa vào tín dụng xanh
Hành động để có được phục hồi kinh tế xanh và tăng trưởng bao trùm | |
Kinh tế xanh sẽ là tiền đề để phát triển bền vững |
Tìm vốn huy động xanh
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, muốn có tín dụng xanh thì ngân hàng phải huy động được nguồn vốn xanh, nhưng tiền gửi tiết kiệm dân cư thì khó mà đáp ứng tiêu chí này. Do đó, tổ chức tài chính cần tìm kiếm vốn xanh từ nhiều nguồn khác nhau.
Thực tế, trên thị trường đến nay mới chỉ có HSBC Việt Nam là ngân hàng đầu tiên huy động được một khoản tiền gửi xanh từ Công ty Công nghệ nông nghiệp Syngenta Việt Nam để đầu tư vào các dự án xanh. Hình thức huy động vốn xanh của ngân hàng này chỉ dừng lại ở nhóm khách hàng tổ chức, áp dụng theo các quy định trái phiếu xanh và bộ nguyên tắc tín dụng xanh.
Như vậy, tổ chức kinh tế có tiền nhàn rỗi gửi tối thiểu từ 3 tháng trở lên, ngân hàng đầu tư vào các lĩnh vực xanh đủ điều kiện như: năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, tòa nhà xanh, quản lý chất thải bền vững, sử dụng đất bền vững, vận tải sạch, quản lý nguồn nước bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số dự án bất động sản cũng đang phấn đấu xanh hóa để tiếp cận được nguồn tài chính xanh. |
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, HSBC Việt Nam cho biết, ngân hàng chỉ nhận tiền gửi xanh vừa đủ với nhu cầu vay vốn của khách hàng thực hiện các dự án xanh theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Đại diện ngân hàng này cho biết, việc nhận tiền gửi xanh có giới hạn phù hợp với nhu cầu tín dụng xanh để tránh lãng phí vốn xanh không sử dụng đúng mục đích cũng đang là một thách thức của ngân hàng.
Yêu cầu tín dụng xanh được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, sau khi cơ quan quản lý có thêm nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ đã đồng ý loại bỏ điện than vào giai đoạn 2040 hoặc sớm hơn nếu có thể.
Theo đó, kế hoạch quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 8 giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tổng công suất phát điện vào năm 2045 sẽ là 333 GW, trong đó 42% là điện gió và điện năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư khoảng 127,5 tỷ USD.
Chính phủ đã đưa ra kế hoạch thúc đẩy các chương trình xanh với nhiều quy định với trọng tâm đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo. Theo đó, chuyển đổi năng lượng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các định chế tài chính tham gia thị trường tài chính xanh. Ngoài ra, tín dụng xanh còn cấp cho nhiều lĩnh vực khác nhau như dự án bất động sản xanh, tiêu dùng xanh…
Từ chủ trương của Chính phủ, thời gian qua các ngân hàng đã chú trọng hơn đến việc huy động vốn xanh trên thị trường quốc tế để đầu tư cho dự án xanh. Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 8/2022, có 70 tổ chức tín dụng tham gia cho vay xanh với tổng dư nợ khoảng 451 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Tuy nhiên, vốn đầu tư cho các dự án xanh có thời hạn khá dài, trong khi nguồn vốn ngân hàng bản chất là ngắn hạn. Bên cạnh đó, trong lộ trình phát triển, hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng giảm tỷ trọng sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Hơn nữa, các ngân hàng cho biết, việc thẩm định một phương án kinh doanh xanh hiện nay cũng rất khó khăn và phức tạp.
Đơn cử, cấp tín dụng xanh cho dệt may, doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc vải được dệt từ sợi đảm bảo môi trường, nhưng nhà nhập khẩu lại yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc trồng bông làm ra sợi dệt vải đã đảm bảo môi trường? Theo đó, đòi hỏi các dự án phát triển xanh phải tìm kiếm nguồn tài chính trên thị trường vốn với kỳ hạn dài và chi phí rẻ.
Phát triển thị trường vốn xanh
Thị trường vốn Việt Nam vừa qua nổi lên một số tập đoàn công ty lớn đã phát hành thành công trái phiếu xanh, trong đó có thể kể Vingroup huy động trên thị trường quốc tế được 450 triệu USD, Công ty Tài chính điện lực EVNFinance huy động trong nước được 1.725 tỷ đồng…
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, quy mô trái phiếu xanh của Việt Nam năm 2021 đạt 1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu bền vững, đứng thứ hai ASEAN chỉ sau Singapore, nhưng so về quy mô chúng ta vẫn thấp hơn 8 lần so với đảo quốc này.
Kinh tế tuần hoàn là vấn đề quan trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với các thách thức lớn khi triển khai. Điều này là do thiếu vắng những hướng dẫn và quy định rõ ràng trong việc kiểm soát lượng khí thải cũng như định nghĩa thế nào là “xanh” trong từng lĩnh vực cụ thể.
Đơn cử như sự "ồn ào" xung quanh việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm ngưng thanh toán và "dọa" cắt hợp đồng đối với các dự án điện mặt trời phía Nam khiến các nhà đầu tư phải kêu cứu. Trước nguy cơ thiếu điện vào mùa hè, EVN đề xuất phát triển điện mặt trời ở phía Bắc. Tuy nhiên do việc thanh toán tiền điện mặt trời cho dự án phía Nam vẫn còn nhiều tranh cãi, vướng mắc nên việc phát triển điện mặt trời ở các tỉnh phía Bắc sẽ không mấy thuận lợi.
Đây chỉ là những vướng mắc trong thực hiện dự án xanh của một ngành, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhiều ngành, lĩnh vực khác muốn xanh hoá.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đề xuất, cần phải có một khung pháp lý rõ ràng cho các công cụ thị trường vốn. Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải là quy định chính thức. Thiết lập diễn đàn chia sẻ để kết nối hai khối công và tư cùng hợp tác xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả cho tài chính xanh và các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.