Lãi suất cho vay cá nhân giảm mạnh trong mùa dịch
Sacombank thêm 6.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi | |
Nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi theo chỉ đạo của NHNN | |
Tăng lãi suất tiết kiệm online không làm lãi vay tăng |
Chia khó cùng khách hàng nhỏ, lẻ
Trước tình hình dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến sự ổn định của nền kinh tế nói chung và cuộc sống của từng gia đình nói riêng, đây là động thái kịp thời của ABBank trong việc điều chỉnh lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn tài chính cùng khách hàng. Mức ưu đãi mới này được áp dụng theo chương trình “Vay ưu đãi- lãi an tâm” với hạn mức giải ngân 2.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính cho các mục tiêu mua nhà, mua xe ô tô, xây sửa nhà mới, vay tiêu dùng hoặc bổ sung vốn kinh doanh. Người vay cũng có thể lựa chọn các hình thức ưu đãi khác theo quy định của gói vay, đi kèm với quyền lợi miễn phí trả nợ trước hạn giảm dần.
Nhiều khách hàng cá nhân được hưởng chính sách ưu đãi từ ngân hàng trong mùa dịch Covid-19 |
Quả thực từ đầu mùa dịch, cuộc sống của nhiều người lao động đã trở nên chật vật vì công việc bị ngưng trệ. Một số người đã phải nghỉ việc, số khác chấp nhận bị giảm lương, giảm giờ làm. Các khoản vay tiêu dùng từng giúp người lao động mua sắm tiện nghi, góp phần nâng cao cuộc sống của bản thân và gia đình thì nay khoản thanh toán hàng tháng trở thành nỗi đau đầu thường trực khi thu nhập của họ ngày càng eo hẹp. Để có thể vay được các khoản tín dụng tiêu dùng phải giảm áp lực lãi vay. Đồng thời, với các nhà băng muốn kích cầu tín dụng tiêu dùng khó “neo” lãi suất cao, ngược lại phải giảm dần mới thu hút được cá nhân vay vốn trong bối cảnh hiện nay.
BIDV vừa nâng quy mô gói cho vay cá nhân mùa Covid-19 lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6%/năm. Đây là gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh được triển khai từ ngày 6/5/2020 đến 30/09/2020 thay thế cho gói tín dụng “kết nối vươn xa” quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai trước đó (31/03/2020). Với gói vay mới này, khách hàng được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn với các kỳ hạn linh hoạt, phù hợp với từng nhu cầu vay sản xuất kinh doanh. Cụ thể, khách hàng được áp dụng lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 06 tháng và chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay từ 06 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, các cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trong thời gian này sẽ đồng thời được tham gia nhiều chương trình ưu đãi khác. Theo BIDV, từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng đã giải ngân khoảng 35.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm giúp cá nhân duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
ACB triển khai giai đoạn một với chương trình vay 25.000 tỷ hỗ trợ cho các DN, cá nhân có khó khăn trong hoạt động kinh doanh do tác động dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5% so với lãi suất thương mại của năm 2019. Trong đó, với gói vay ưu đãi này, ACB dành 13.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho các khách hàng DN, DN nhỏ và vừa. Với các khách hàng là cá nhân, gói vay này ưu đãi lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn. Với gói ưu đãi lần này, khách hàng có thể lựa chọn nhiều kỳ hạn cố định lãi suất đầu tiên lên đến 36 tháng.
MSB cũng công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng Covid - 19. Cụ thể, gói tín dụng 7.000 tỷ được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp. Đối với vay tín chấp, MSB áp dụng lãi suất chỉ 12,99% trong 12 tháng đầu. Đây là sản phẩm phù hợp với khách hàng kinh doanh hay có nguồn thu nhập từ lương. Hạn mức MSB cấp lên tới 24 lần thu nhập với lãnh đạo chủ chốt, 20 lần thu nhập với các trường hợp thông thường và tối đa 1 tỷ đồng. Đối với vay thế chấp, MSB mang tới những lựa chọn đa dạng về lãi suất. Theo đó, khách hàng được lựa chọn lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong 06 tháng, 7,99%/năm trong 12 tháng, hoặc 8,75%/năm trong 18 tháng đầu. Đặc biệt với gói vay mua ô tô, lãi suất là 8,99%/năm trong 24 tháng.
Tránh nợ xấu tiêu dùng tăng
Không chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất – kinh doanh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh kích cầu tín dụng cá nhân trong mùa dịch, với lãi vay ưu đãi từ 8-9%/năm.
Đơn cử Nam A Bank, ưu đãi giảm lãi vay lên đến 2%/năm so với lãi suất hiện hành cho các khách hàng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng quán ăn và xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch). Chương trình được áp dụng từ 20/3 đến khi Chính phủ có thông báo kết thúc dịch. Đồng thời, ngân hàng cũng ưu đãi lãi suất giảm lên đến 2%/năm đối với khách hàng cá nhân, DN thuộc khu vực miền Tây chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vay phát triển nông nghiệp nông thôn và bổ sung vốn kinh doanh.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân cần vay vốn để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua xe, mua đất, nhà hoặc xây dựng sửa chữa nhà sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm lên đến 3,1%/năm trong chương trình “Happy Finance” đến 30/6/2020.
Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) giảm 2,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng DN và cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tùy từng khách hàng và mức độ ảnh hưởng cụ thể, Ngân hàng Bản Việt sẽ có chính sách lãi suất phù hợp.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp, ngân hàng triển khai đồng loạt các chương trình và các chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, khách hàng DN bị ảnh hưởng trong giai đoạn này. Cụ thể, đối với các khách hàng hiện hữu bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng DN, Ngân hàng Bản Việt có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị tác động. Đối với khách hàng DN đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm và 1%/năm tương ứng với các khoản vay ngắn hạn cũng như vay trung và dài hạn.
Đối với khách hàng cá nhân, Ngân hàng Bản Việt có những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế. Trong đó, khách hàng cá nhân vay với mục đích xây dựng, sửa chữa nhà, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sẽ được áp dụng mức lãi suất khá hấp dẫn chỉ từ 8,38%/năm. Hay các khách hàng vay tín chấp cũng sẽ được áp dụng mức lãi suất cạnh tranh chỉ từ 14,59%/năm. Lâu nay hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay cá nhân, bởi biên lợi nhuận ròng thu về trong hoạt động cho vay đối với phân khúc khách hàng rất tốt, do lãi suất cho vay thường cao hơn DN. Đồng thời, chủ trương gia tăng cho vay cá nhân của ngân hàng nhằm phân tán rủi ro. Vì thế, tỷ trọng cho vay cá nhân tăng đều. Tính đến cuối năm 2019, các ngân hàng đã cho vay cá nhân vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.
Thế nhưng, trước khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay, tình trạng thất nghiệp gia tăng khiến nhiều cá nhân rơi vào khó khăn, nhất là với những người đang có nợ vay ở ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng chủ động thực hiện giảm, giãn nợ cho khách hàng trong thời gian 3 - 6 tháng để họ có thể an tâm, không quá áp lực trong việc trả nợ.
Tuy nhiên giới chuyên gia lưu ý, dịch bệnh Covid-19 kéo dài tác động lên hoạt động – sản xuất của DN thì lao động sẽ bị giảm thu nhập; thậm chí không ít lao động buộc phải nghỉ không lương, mất việc khi DN phá sản. Do đó, bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… để hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng cũng cần hết sức cẩn trọng khi cho vay mới. “Các ngân hàng có thể miễn giảm lãi suất, phí, nhưng tuyệt đối không được hạ chuẩn tín dụng bởi nếu hạ chuẩn có thể đẩy rủi ro nợ xấu gia tăng trong tương lai. Cần nhớ rằng, việc các ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định là vô cùng quan trọng, không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn vì lợi ích lâu dài của cả nền kinh tế”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.