Tăng lãi suất tiết kiệm online không làm lãi vay tăng
Giảm lãi suất điều hành: Tạo sức bật cho nền kinh tế | |
Cuộc đua giảm lãi suất cho vay |
Các ngân hàng đang tăng thêm lãi suất VND cho người gửi tiết kiệm online (trực tuyến) như một cách tiết giảm chi phí huy động vốn của ngân hàng và cũng khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các kênh ngân hàng điện tử.
Ảnh minh họa |
Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) tăng thêm 0,8% lãi suất cho người gửi tiết kiệm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Theo đó, người muốn gửi tiết kiệm online chỉ cần tải ứng dụng (app) ngân hàng điện tử vào máy điện thoại đăng ký tài khoản trực tuyến chọn gửi tiết kiệm online mà không cần đến quầy giao dịch ngân hàng. Trong quá trình sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử chủ tài khoản tiết kiệm online theo dõi được số dư tiền gửi của mình ngay trên điện thoại di động, trường hợp chủ tài khoản online cần thế chấp sổ tiết kiệm ngân hàng vẫn in sổ cho khách hàng khi cần.
Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cũng có lãi suất tiết kiệm online cao hơn 0,5 so với lãi suất tiết kiệm tại quầy. NamA Bank áp dụng gửi lãi suất tiết kiệm online lãi cuối kỳ đối với hai loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng có mức lãi suất cao hơn gửi tại quầy lần lượt 1,2% và 0,5%. HDBank đang có chương trình tải app nhận ngay 50.000 và cũng dành nhiều ưu đãi về lãi suất cho người gửi tiền tiết kiệm online. Nhiều ngân hàng khác cũng có những hình thức tặng thêm lãi suất, tặng quà... cho người gửi tiết kiệm online.
Gửi tiết kiệm online hiện nay người có nhu cầu gửi tiền có thể chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi không kỳ hạn sang tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao. Theo đó, người lao động có những nguồn thu nhập nhỏ lẻ từ nhiều nguồn khác nhau sẽ dễ dàng chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn trên môi trường internet thay vì đến quầy giao dịch theo cách truyền thống. Hiện nay, hệ thống ngân hàng lại đang có chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền đối với các giao dịch nhỏ lẻ dưới 2 triệu đồng/giao dịch, càng làm cho người gửi tiết kiệm online tích lũy những khoản tiền từ 1 triệu đồng trở lên thuận tiện trong việc sang chuyển các khoản tiết kiệm online.
Theo số liệu thống kê của NHNN, trong tuần cuối tháng 4/2020, các ngân hàng thương mại huy động áp dụng lãi suất huy động VND bình quân ở mức: 0,1-0,5%/năm đối với loại không kỳ hạn đến dưới 1 tháng, lãi suất 4,3-4,75%/năm cho kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng các ngân hàng đang trả cho người gửi tiền 5,3-6,8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.
Liên quan đến vấn đề các ngân hàng tăng thêm lãi suất tiết kiệm cho người gửi tiền trực tuyến có làm lãi suất cho vay tăng? Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, do sự phát triển của công nghệ ngân hàng và đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp nên các ngân hàng đang đẩy mạnh các sản phẩm trực tuyến, trong đó có gửi tiết kiệm online. Việc phát triển các dịch vụ ngân hàng trực tuyến sẽ giảm bớt chi phí hoạt động cho các ngân hàng và các ngân hàng chia sẻ lợi ích này cho người gửi tiền. Điều đó cũng nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, do mức cộng thêm lãi suất không lớn và cũng chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi online nên không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường. Hơn nữa, hiện các ngân hàng cũng vẫn tuân thủ nghiêm quy định về lãi suất tiền gửi của NHNN.
Theo đó, NHNN vừa có các quyết định giảm lãi suất điều hành, trong đó giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Các quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 13/5/2020. Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng cũng lập tức điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi của mình, cả với hình thức tiết kiệm online.
Bình luận về động thái này, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc giảm các mức lãi suất điều hành là cần thiết, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.