Lấp khoảng trống pháp lý trong phê duyệt và thực hiện quy hoạch
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại hội trường Quốc hội |
Sửa trên nguyên tắc lấy Luật Quy hoạch làm gốc
Đa số ý kiến phát biểu tại hội trường nhất trí với dự thảo luật, tuy nhiên các đại biểu cũng góp ý thêm một số nội dung để dự thảo luật được hoàn chỉnh hơn. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch theo tờ trình của Chính phủ là có căn cứ pháp luật phù hợp với phụ lục số 3 và quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch. Việc ban hành luật này còn tránh được khoảng trống pháp lý, xung đột pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác lập thẩm định phê duyệt và thực hiện quy hoạch.
Ví việc sửa Luật quy hoạch giống như một cuộc cách mạng, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), cho rằng, Luật đã bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ không còn phù hợp với kinh tế thị trường, làm giảm số lượng quy hoạch từ khoảng 19.000 loại quy hoạch khác nhau xuống khoảng 200 - 300 loại quy hoạch, khắc phục đáng kể tình trạng dàn trải, chồng chéo, tùy tiện trong công tác quy hoạch gây lãng phí rất lớn trong phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước, làm méo mó, xấu xí nhiều vùng, khu vực, khu đô thị mặc dù ở đó quy hoạch cũng đã được xác lập.
Để Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống, qua rà soát tổng cộng có tới 48 luật và 4 pháp lệnh cần phải sửa đổi. Tại kỳ họp này, phải sửa đổi và bổ sung tới 37 luật khác nhau.
“Với một số lượng luật lớn kỷ lục như vậy lại phải thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp nên đây là một thách thức không nhỏ, đại biểu Hùng tâm tư và nhấn mạnh: Để thực hiện được những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc đã được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc tuân thủ các nguyên tắc này là yêu cầu hết sức quan trọng, nhằm không mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài những vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch và đảm bảo rằng sau khi được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất đối với hoạt động quy hoạch.
Bởi theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc: Lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch. Các luật khác không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
Vẫn còn ý kiến khác nhau về quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh
Đi vào nội dung cụ thể là quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã ủng hộ phương án tách biệt hai loại quy hoạch, vì nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hoá những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), lại cho rằng, nếu dự thảo vẫn có thêm quy hoạch xây dựng tỉnh thì các tỉnh sẽ phải lập hai bộ quy hoạch cấp tỉnh. Một là, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, gửi hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia để thẩm định. Nếu đạt yêu cầu, Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, lập quy hoạch xây dựng tỉnh bằng cách sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ cần ”copy” quy hoạch tỉnh và lược bỏ một số nội dung, đổi tên thành quy hoạch tỉnh để tự thẩm định lại, phê duyệt sau khi có thống nhất của Bộ Xây dựng.
Như vậy, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi có phương án thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại giấy phép con cực to, làm cản trở dòng chảy quá trình hoạt động quy hoạch ở địa phương, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Giải trình làm rõ thêm về vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau một thời gian làm việc với cơ quan chủ trì về vấn đề này là Bộ Xây dựng, thì cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy quy hoạch tỉnh đã có để tích hợp tất cả các loại vào, nhưng còn ở mức độ rất chung, phân bố về mặt không gian, các khu chức năng hay phát triển kinh tế - xã hội, còn xây dựng tỉnh thì phải ở một mức độ chi tiết hơn để cụ thể hóa, làm công cụ quản lý trong ngành xây dựng đối với quy hoạch ngành. Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng nó là một quy hoạch chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng tỉnh ở mức độ chi tiết hơn như vậy đề nghị quy định theo hướng như đã trình.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký Quốc hội ghi chép, tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc và sau đó sẽ được báo cáo Quốc hội để thảo luận vòng hai vào chiều ngày 9/11/2018 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.