Lợi ích kép từ phát triển kinh tế tuần hoàn
Xu hướng của nông nghiệp bền vững
Ở Việt Nam, kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp đã có từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nhưng những năm gần đây, khi nền nông nghiệp đang đứng trước những áp lực của sự suy giảm tài nguyên, gia tăng phát thải và biến đổi khí hậu thì khái niệm KTTH mới thường được nhắc đến. Với ý nghĩa là một vòng tròn khép kín, KTTH hướng đến một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải qua xử lý được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực với quy mô toàn cầu, nguồn tài nguyên ngày càng hạn hẹp, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng KTTH tạo ra nhiều giá trị kinh tế, phúc lợi, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào ít hơn, giảm lượng chất thải ra môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững. Nhận thức được xu thế này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách thực hiện KTTH nói chung và KTTH trong nông nghiệp nói riêng. Xây dựng KTTH đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Agribank tập trung ưu tiên cho vay các dự án hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn |
Hiện nay ở nước ta, KTTH trong sản xuất nông nghiệp đã được vận dụng trong phát triển các mô hình như: Trang trại vườn - ao - chuồng (VAC) hay vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) hoặc vườn - ao - chuồng - biogas (VACB); Mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá”; Mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; Mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa… Các mô hình này áp dụng KTTH trong sản xuất, với quy trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với những ứng dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, đã có nhiều địa phương triển khai các mô hình này hiệu quả.
Hệ sinh thái tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam
Bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng về đẩy mạnh thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Agribank với vai trò tiên phong, chủ lực của NHTM hàng đầu Việt Nam luôn chủ động, tích cực đưa các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng gia tăng và có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người, cảnh quan sinh thái, Agribank càng ý thức sâu sắc việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ những chính sách hiệu quả, đặc biệt là chính sách về tín dụng, kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam những năm gần đây không ngừng phát triển. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao để hướng tới những thị trường đầy tiềm năng đang được Chính phủ, các bộ ngành đặc biệt quan tâm, tích cực triển khai.
Với vai trò chủ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, hàng năm, nguồn vốn Agribank đầu tư cho “Tam nông” luôn chiếm 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Dòng vốn tín dụng của Agribank được tập trung vào sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao. Agribank sớm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch với nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn thông qua giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, đồng thời không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng, đơn giản hoá thủ tục giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng. Tính đến nay, doanh số cho vay lĩnh vực này của Agribank đã đạt trên 20.000 tỷ đồng. Chỉ riêng từ đầu năm đến 31/05/2021, dư nợ đạt 1.918 tỷ đồng.
Với lượng vốn lớn hàng năm cung ứng cho địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã đáp ứng nhu cầu đầu tư của mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra thị trường hàng hóa trong nông nghiệp với nhiều sản phẩm mũi nhọn, có kim ngạch xuất khẩu cao, có thương hiệu như lúa gạo, trái cây, thủy sản... Thời gian qua, với vai trò là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Agribank đã góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bước đầu đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp. Có thể kể đến các mô hình do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như: trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng, Sơn La), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai…), chanh dây, hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum)…
Lựa chọn vì tương lai
Kiên định với sứ mệnh “Tam nông”, thời gian tới với mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn luôn đạt mức 70%. Song song với đó, ngân hàng cải tiến quy trình thủ tục, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới phù hợp để phục vụ ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ.
Trong quá trình tiếp xúc, tư vấn dự án, chương trình sản xuất kinh doanh của khách hàng, những cán bộ Agribank đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức khách hàng doanh nghiệp, người dân khu vực “Tam nông” hiểu rõ vai trò của KTTH, nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, góp phần loại bỏ dần các mô hình sản xuất nông nghiệp cũ, lạc hậu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại thông qua ưu đãi về cơ chế chính sách, cải tiến thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực... Agribank xác định cùng ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và người dân thực hiện KTTH một cách hệ thống và đồng bộ; hỗ trợ người dân phát triển chuỗi cung ứng cung cấp cho người tiêu dùng thân thiện với môi trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới. Từ đó, các mô hình KTTH trong nông nghiệp tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng thực hiện KTTH trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Ý thức được vai trò định chế tài chính đầu tư nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank thông qua những hành động cụ thể tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đạt hiệu quả; đồng thời nêu cao trách nhiệm chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp, người dân tích cực, đồng lòng thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH đảm bảo “lấy bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu”, đúng như yêu cầu đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.