“Lợi kép” khi lùi thời hạn Thông tư 02
Ông Nguyễn Đình Tùng - Thành viên HĐQT OCB |
Theo ông, vì sao NHNN lại dự kiến kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02?
Mặc dù kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn chưa đồng đều. Nhiều lĩnh vực còn phục hồi chậm nên dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, quyết định gia hạn Thông tư 02 của NHNN giúp giãn áp lực trả nợ cho các khách hàng để họ có điều kiện phục hồi tốt hơn. Ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ quyết định này khi khách hàng hồi phục tốt, tăng khả năng trả nợ, giảm áp lực nợ xấu phát sinh tại ngân hàng.
Có thể nói, trong thời gian qua, áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng, đến từ khó khăn trả nợ của khách hàng. Dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng do thanh khoản của thị trường bất động sản yếu nên việc thanh lý tài sản đảm bảo giai đoạn này rất khó khăn. Như vậy, việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ cũng tạo điều kiện để ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, áp lực trích lập dự phòng rủi ro, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ cho khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của ông, thời gian kéo dài hiệu lực của dự thảo thêm 6 tháng có phù hợp không?
Thời điểm này, cũng khó khẳng định chính xác thời hạn nào phù hợp vì thực tế có rất nhiều yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như tình hình tài chính toàn cầu, xung đột chính trị… Còn ở trong nước, sự phục hồi kinh tế, như tôi đã nói, cũng chưa đồng đều. Do đó, chúng ta phải chờ thực tế trả lời.
Còn trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc đưa ra giải pháp mang tính đặc thù như kéo dài thời gian cơ cấu nợ là cần thiết để giãn áp lực tài chính cho khách hàng, giúp họ có thêm thời gian phục hồi kinh doanh, cải thiện năng lực trả nợ trong tương lai.
Còn nhớ giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhưng một loạt giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, đã hỗ trợ rất nhiều khách hàng hồi phục kinh doanh, có khả năng hoàn trả nợ. Lần này, chúng ta có thể kỳ vọng được như vậy.
Tuy nhiên những chính sách như Thông tư 02 có tính chất đặc thù, thời điểm, không nên duy trì quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thông lệ, quy chuẩn của ngân hàng.
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Theo ông, động thái này có ảnh hưởng đến lãi suất cho vay không?
Việc tăng lãi suất huy động trên thị trường hiện nay không đều khắp tại các ngân hàng nên chưa thể khẳng định nó tạo xu hướng. Còn lãi suất cho vay chưa chắc đã tăng theo lãi suất huy động ngay mà cũng phải có sự cân nhắc. Lý do là tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn còn chậm. Muốn có lực kéo cho tín dụng thì các ngân hàng cũng phải chủ động giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Điểm nữa, việc nợ xấu tăng lên thể hiện sự khó khăn của doanh nghiệp trong việc trả nợ, bao gồm cả gốc và lãi. Rõ ràng trong điều kiện như vậy, việc tăng chi phí cho vay sẽ chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Như hiện tại ở OCB, ngân hàng vẫn giữ ổn định lãi suất, kể cả đầu vào và đầu ra. Ngoài duy trì ổn định lãi suất, ngân hàng theo sát hoạt động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, đưa ra phương án kinh doanh giúp họ sớm phục hồi. Bên cạnh đó, ngân hàng sử dụng cơ chế quy định tại Thông tư 02 để giãn, hoãn nợ, đảm bảo giảm áp lực trả nợ cũ, hỗ trợ thực hiện phương án kinh doanh mới... Ở góc độ ngân hàng, tôi nghĩ đó là 3 giải pháp chính hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này.
Còn với doanh nghiệp, nếu muốn phát triển được thì ngoài giảm áp lực tài chính từ sự hỗ trợ của ngân hàng, bản thân họ phải chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh như tìm thêm đơn hàng mới, tối ưu hóa hoạt động để tiết giảm chi phí…
Xin cảm ơn ông!