Mạch nguồn tín dụng ưu đãi ở Hà Tĩnh
Trong chuyến công tác mới đây tại Hà Tĩnh, theo chân cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chi nhánh Hà Tĩnh, chúng tôi về với huyện miền núi Hương Khê. Đây là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Với địa hình cách trở, diện tích rộng, hằng năm lại phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt nên tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo ở địa phương còn nhiều... Trong hoàn cảnh đó, những đồng vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã thực sự là “chìa khóa” thoát nghèo cho nhiều gia đình nơi đây...
Mục sở thị hiệu quả nguồn vốn chính sách, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Xuân Nghị ở xã Phúc Đồng. Theo lời kể của người dân địa phương, ông Nghị là tấm gương về thoát nghèo nhờ vốn vay từ NHCSXH. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo “thâm niên” của xã, cuộc sống quanh năm lam lũ, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám… Đến năm 2016, ông được NHCSXH huyện Hương Khê cho vay 50 triệu đồng thuộc diện hộ nghèo. Có được nguồn vốn này, ông quyết định đầu tư là trang trại. Từ nguồn “vốn mồi”, cùng với quyết tâm của cả gia đình, ông Nghị đã biến một vùng đất đồi cằn cỗi, sỏi đá trở thành một vườn cam, bưởi xanh tốt. Khi đã thoát được nghèo, ông tiếp tục được ngân hàng đầu tư thêm 50 triệu đồng, trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để có thêm vốn làm ăn. Ngồi trong ngôi nhà khá khang trang vừa mới được xây trong năm 2022, ông Nghị vui vẻ tâm sự, cuộc sống hôm nay khá hơn nhiều rồi, gia đình hiện đang có 15 con trâu, bò cùng với đó là hơn 1.000 gốc cam bưởi… các loại. Từ hai bàn tay trắng đến nay gia đình đã có của ăn, của để. Con cái được học hành đến nơi, đến chốn.
Mô hình đầu tư trang trại từ vốn tín dụng chính sách ở huyện Hương Khê |
Sát bên cạnh Hương Khê là huyện Hương Sơn, vùng đất khá nổi tiếng cả nước với nghề nuôi hươu truyền thống. Cũng trên mảnh đất này, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đang góp phần tạo nên những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân, để vươn lên làm giàu chính đáng. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, đã và đang từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi cuộc sống ở những vùng quê... Tại trụ sở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, ông Lê Khánh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, những năm qua, nhờ làm tốt công tác quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều hội viên, giúp họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để tập trung đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong rất nhiều mô hình làm kinh tế giỏi từ vốn vay của NHCSXH huyện Hương Sơn, chúng tôi chọn đến thăm gia đình chị Đinh Thị Hương ở xã Quang Diệm. Cũng như nhiều gia đình khác ở địa phương, trước đây gia đình chị Hương gặp rất nhiều khó khăn. Bắt đầu từ năm 2008, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo. Tất cả số vốn này chị và gia đình đầu tư nuôi hươu và bò… Với mô hình này, sau 4 năm gia đình đã thoát nghèo, đến năm 2014 gia đình tiếp tục được ngân hàng cho vay thêm 50 triệu đồng nữa để tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi và trồng cây keo lá tràm. Đến nay, gia đình có đàn hươu 8 con, 3 con bò cùng với đó gần 2 ha trồng cây keo lá tràm… cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Tâm sự với chúng tôi, chị Hương cho biết, nhờ có vốn ngân hàng để đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng. Giờ đây kinh tế của gia đình đã từng bước ổn định, vợ chồng tôi vẫn tập trung vào chăn nuôi và làm thêm nghề phụ để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Thấu hiểu để tận tâm phục vụ
Qua những câu chuyện xóa nghèo ở Hương Khê hay Hương Sơn, có thể khẳng định, trong những năm qua nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần trở thành nguồn lực quan trọng giúp Hà Tĩnh thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới…
Theo số liệu của NHCSXH chi nhánh Hà Tĩnh, tính đến 31/5/2023, tổng doanh số cho vay của chi nhánh đạt 838,2 tỷ đồng với 15.173 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 390 tỷ đồng. Dư nợ đạt 6.251,6 tỷ đồng, tăng 448 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 126,9 tỷ đồng so với cùng kỳ với 106.110 khách hàng đang thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi... Trong khi đó, triển khai thực hiện Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kết quả đến ngày 31/5/2023, chi nhánh đã thực hiện tăng trưởng 131,3 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch. Cụ thể, cho vay nhà ở xã hội, dư nợ đạt 228,2 tỷ đồng, tăng 130,6 tỷ đồng so với năm 2022 với 617 khách hàng đang dư nợ; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, dư nợ đạt 190 tỷ đồng với 5.300 khách hàng... Đặc biệt, 5 tháng đầu năm, chất lượng tín dụng toàn chi nhánh xếp loại tốt. Trong đó, có 13/13 đơn vị xếp loại tốt chiếm tỷ lệ 100%.
Trên thực tế, những năm gần đây nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống ở những vùng khó khăn như ở Hương Khê hay Hương Sơn và nhìn rộng ra là cả Hà Tĩnh. Theo đó, hàng nghìn hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để đầu tư làm ăn, tạo việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình. Người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Được biết, giai đoạn 2022-2025, Hà Tĩnh đã đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,6 - 1,0%/năm; Đến năm 2025, 100% xã có tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Để hoàn thành mục tiêu Chương trình Quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2022 - 2025, Hà Tĩnh sẽ triển khai các dự án như, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Trong khi đó, cũng giống như nhiều địa phương khác ở miền Trung, hoạt động của NHCSXH Hà Tĩnh vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách. Trong đó, có thể kể đến như, địa bàn hoạt động phức tạp với vùng núi cao, miền biển dài rộng cùng những khắc nghiệt về thiên tai hạn hán, bão lũ thường xuyên... Đặc biệt, Hà Tĩnh là địa phương thí điểm xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua các năm nên đối tượng cho vay dần thu hẹp, ảnh hưởng tới việc nhiều hộ dân còn khó khăn tiệm cận hộ cận nghèo muốn tiếp cận vốn vay ưu đãi nhưng không còn thuộc đối tượng...
Dẫu còn những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, song những người làm tín dụng chính sách trên mảnh đất “chảo lửa, túi mưa”, vẫn không hề nản lòng, đoàn kết quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bảo đảm các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách đều được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách. Chúng tôi luôn tự ý thức “rèn đức, luyện nghề, sáng tạo”, mỗi cán bộ đều hun đúc ý chí, khát vọng “nơi nào có người nghèo, nơi đó có mạch nguồn tín dụng ưu đãi”, cùng với bà con tiếp những ước mơ, những khát vọng đổi đời trên mảnh đất còn nhiều gian khó như Hà Tĩnh.