Miền Trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm Giải pháp kinh tế - xã hội 2024-2025: Cần giải ngân nhanh vốn đầu tư công |
"Nút thắt" giải phóng mặt bằng
Cụ thể, Thừa Thiên - Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao (đạt 58,47%); Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng (đạt 48,27%); Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng (đạt 69,37%). Trong khi đó, Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng (đạt 40,99%); Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng (đạt 33,40%). Hiện có nhiều nguyên nhân khiến tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở khu vực chưa như kỳ vọng. Trong đó, “nút thắt” đầu tiên là những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đến nay việc xác định nguồn gốc đất và xác định giá đất còn khó khăn do tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp; sử dụng đất sai mục đích hoặc mua bán bằng giấy viết tay; lấn chiếm đất hành lang công trình công cộng… Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 mới được ban hành, khiến nhiều dự án phải tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định mới của luật.
Giải phóng mặt bằng “nút thắt” quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công |
Tại Quảng Nam, địa phương đã thành lập 5 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương vẫn còn thấp, do những khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Các nguyên nhân chính bao gồm việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn, đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế, nguồn nhân lực còn thiếu, và kinh phí cho hoạt động thấp. Tính chất công việc cũng khó khăn và phức tạp.
Tương tự, ở Quảng Ngãi, theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện địa phương có 30 dự án bị vướng mặt bằng do công tác xác định giá đất chưa hoàn thành; việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 còn lúng túng. Nhiều dự án chưa xác định được nguồn gốc đất, khiến người dân không chịu nhận bồi thường. Người dân không giao đất gây cản trở việc thi công. Ngoài ra, một số dự án tạm thời không thể triển khai do phải khắc phục theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng, việc giải ngân vốn đầu tư công ở khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung chậm còn do nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, việc đăng ký bố trí vốn của một số chủ đầu tư chưa phù hợp với khả năng và tiến độ triển khai thực tế; năng lực của một số nhà thầu tư vấn thiết kế không tương xứng với hồ sơ dự thầu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của dự án. Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, còn thụ động trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể. Quy trình và thủ tục triển khai thực hiện các dự án ODA khá phức tạp, thời gian kéo dài hơn so với một dự án đầu tư công thông thường.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng do các thủ tục đầu tư, đấu thầu khai thác mỏ tốn nhiều thời gian. Một khó khăn khác mang tính đặc thù của khu vực miền Trung là những tháng cuối năm thường có nhiều mưa bão, nguy cơ sạt lở đất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi công trên thực địa của nhiều dự án. Những điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương trong khu vực.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, một số địa phương trong vùng đã kiến nghị sửa đổi các quy định, cơ chế để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân. Trong đó, cần có quy định về thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, tách dự án giải phóng mặt bằng, phân cấp thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương hằng năm. Đồng thời, cần thống nhất phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất, và giải quyết chênh lệch giữa giá bồi thường theo khung quy định của Nhà nước và giá thị trường; rút ngắn quy trình cấp phép và khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường.
Đặc biệt, theo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cần đặc biệt lưu tâm đến bảng giá đất để tháo điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Về kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 đã được Thủ tướng giao cho các địa phương. Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình trên địa bàn như: quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; quốc lộ 14D; quốc lộ 14G; quốc lộ 14B; quốc lộ 40B; quốc lộ 14H.
Trong khi đó, Đà Nẵng đề nghị bổ sung chi phí thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào Luật Đầu tư công (sửa đổi) và quy định cụ thể chi phí này là thành phần trong kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án, được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Địa phương này cũng đề nghị xem xét bổ sung dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ 14G vào danh mục các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, giao cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.