Mobile Money - "Cú hích" cho thanh toán điện tử và chuyển đổi số
Toàn cảnh hội thảo |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN là đơn vị đầu mối được giao nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ phê duyệt triển khai thí điểm (Mobile Money).
Tháng 11/2021, trên cơ sở đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, NHNN về hồ sơ của 3 doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg, NHNN đã có quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cho 3 đơn vị là Tổng Công ty Truyền thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội.
Chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, đảm bảo an ninh an toàn, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Mobile Money đã và đang đi vào cuộc sống
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN đánh giá, dịch vụ Mobile Money được triển khai đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.
Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm nhìn chung được đảm bảo, chưa phát sinh các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và mở rộng tiếp cận dịch vụ này tới nhóm khách hàng mới chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó tiếp cận hạ tầng thanh toán, mạng lưới ngân hàng.
Trong những tháng đầu triển khai dịch vụ Mobile Money, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài; tại nhiều khu vực, địa phương, người dân, các tổ chức cung ứng dịch vụ vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội; tuy nhiên số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ vẫn khả quan, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa (đạt tỷ lệ hơn 60% khách hàng sử dụng dịch vụ, tính đến ngày 31/3/2022).
Từ đó cho thấy, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng (unbanked/underbanked), đã và đang đi vào cuộc sống.
“Sau gần 6 tháng thực hiện thí điểm triển khai dịch vụ Mobile-Money, đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Trong đó, hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, đáng chú ý, số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30%. Đơn vị chấp nhận thanh toán là 12.800 điểm, chủ yếu là các cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục. Tổng số lượng giao dịch đã đạt hơn 8,5 triệu với tổng giá trị hơn 370 tỉ đồng” - ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN cho biết.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Đức Hiệp – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân cho biết, hiện nay Bộ Công an cấp tài khoản Mobile Money, cấp sim chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân và ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Theo ông Hiệp, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp.
Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắp chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch và thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động.
Ông Hiệp cho hay, hiện nay Bộ Công an đã chủ trì làm việc cùng với các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối để làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư. Cấp tài khoản Mobile Money, cấp sim chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang triển khai thí điểm việc xác thực thẻ căn cước công dân thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ căn cước công dân nhằm tránh các rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác.
Để dịch vụ Mobile Money vươn xa
Bên cạnh những thành quả đạt được, theo ông Lê Anh Dũng, các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ cũng gặp phải một số khó khăn do dịch vụ Mobile Money là dịch vụ mới, trong giai đoạn đầu thí điểm cần phải tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng để tuyên truyền, quảng bá lợi ích của dịch vụ nhằm thu hút, tạo thói quen cho khách hàng.
Đồng thời, việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tốn khá nhiều nguồn lực do khoảng cách địa lý và số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế.
Do đó, để đảm bảo việc triển khai dịch vụ Mobile Money được an toàn và hiệu quả, tăng được số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ cũng như tăng trưởng về khối lượng/giá trị giao dịch, đem lại những giá trị, tiện ích thiết thực cho người dân, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thí điểm.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone kiến nghị sớm cho phép dùng EKYC trong phát triển thuê bao di động và thiết lập Mobile money. Vấn đề lớn thứ hai là sự thuận lợi trong nạp tiền, chuyển tiền, rút tiền và thanh toán cho các dịch vụ hàng ngày vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Tấn đưa ra ví dụ về điểm nạp rút tiền phải là điểm của nhà mạng hoặc điểm của mạng viễn thông ủy quyền. Vô hình chung điều này đã số điểm này của nhà mạng sẽ rất hạn chế. Tiếp nữa là hiện nay quy định thương nhân phải trực tiếp phát triển.
Liên quan đến chuyển và rút tiền. Hiện nay vẫn quy định nhà mạng nào thực hiện của nhà mạng đó trong khi thuê bao hiện nay lại đan xen.
Đánh giá lợi ích của Mobile Money tới người dân Việt Nam là không thể phủ nhận. Thế nhưng lần đầu tiên được cấp phép triển khai chính thức tại thị trường Việt Nam, Mobile Money cũng đã đặt ra bài toán khó về thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân. Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel thông tin, đến hết quý I/2022, 70% thuê bao kích hoạt tài khoản tiền di động trên Viettel Money đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa. Để đẩy mạnh dịch vụ trong thời gian tới, ông Việt kiến nghị 4 giải pháp:
Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động.
Để tiền di động vừa là phương thức vừa là động lực cải thiện kinh tế người dân; kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với đời sống.
Thứ hai, đưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước.
Thứ ba, cơ quan báo chí, truyền thông cùng phối hợp, triển khai các hoạt động để thúc đẩy, định hướng nhận thức người dân về lợi ích của tiền di động nói riêng, của tài chính số và chuyển đổi số trong kinh tế nói chung.
Thứ tư, ngân hàng và các nhà mạng triển khai tiền di động tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác. Qua đó mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán số.