Một thành phố thông minh bên bờ sông Hàn
Đà Nẵng, điểm hẹn công nghệ quốc tế 2019 | |
Bình Dương được vinh danh thành phố thông minh tiêu biểu | |
Đô thị hóa bằng xây dựng thành phố thông minh |
10 năm dẫn đầu Vietnam ICT Index
Từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng liên tục đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index). Điều này thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, người dân và DN trong việc ứng dụng công nghệ số.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng chia sẻ, có được điều đó trong suốt thời gian dài là nhờ tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự đồng lòng, chung sức của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp. Các chương trình chính quyền điện tử, thành phố thông minh… luôn được tổ chức bài bản, có lộ trình cụ thể. Ví như chương trình chính quyền điện tử, ngay lúc mới bắt đầu, thành phố tập trung vào việc mô hình hóa hoạt động cơ quan quản lý nhà nước với việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Gần đây là dịch vụ công trực tuyến. Song cũng có giai đoạn tập trung vào công tác kiểm soát nội bộ. Mỗi giai đoạn, đều có kế hoạch cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có gần 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 |
Nỗ lực của Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và ứng dụng CNTT vào công tác quản lý điều hành được các chuyên gia đánh giá cao về sự chuyên nghiệp. Tổng Giám đốc Microsoft tại Việt Nam Phạm Thế Trường nhận định, CNTT trên toàn thế giới đang thay đổi nhanh chóng, trong đó, lĩnh vực kỹ thuật số đóng vai trò dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Đà Nẵng là thành phố có khả năng hấp thụ và ứng dụng công nghệ đứng đầu cả nước. Microsoft sẽ triển khai 5 chương trình hỗ trợ công nghệ tại Đà Nẵng như: Microsoft Innovative Educators (Chương trình hỗ trợ giáo viên sử dụng công nghệ trong giảng dạy), Microsoft Showcase Schools (Chương trình cộng đồng các trường học sử dụng công nghệ để giúp học sinh phát triển tư duy và cải thiện kết quả học tập), Disaster Response Program (Chương trình ứng phó thiên tai), Kid Protection on Cyber Space (Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng) và tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ chương trình xây dựng thành phố thông minh…
Còn ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương (ASOCIO) đánh giá, Đà Nẵng có tiềm năng dồi dào trong ngành CNTT – một trụ cột của thành phố thông minh. Sự cam kết của lãnh đạo chính quyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh. ASOCIO sẽ hỗ trợ Đà Nẵng các bài học kinh nghiệm, quan hệ kết nối... để xây dựng thành phố thông minh thành công.
Xây dựng thành phố thông minh
Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Đà Nẵng đạt nhiều kết quả nổi bật về ứng dụng CNTT. Hiện Đà Nẵng có 847 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 65% tổng số thủ tục hành chính được triển khai trên hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Thành phố sắp hoàn thành các mục tiêu chương trình, kế hoạch cải cách hành chính đến năm 2020. Hạ tầng CNTT và viễn thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ, hoạt động ổn định, an toàn. Trung tâm dữ liệu của Đà Nẵng có dung lượng lưu trữ đến 152TB, được thiết kế, quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013. Hệ thống kết nối không dây công cộng có 430 trạm thu phát sóng, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân, du khách có thể kết nối, sử dụng dịch vụ của cơ quan Nhà nước và kết nối internet miễn phí.
Cùng với đó, Đà Nẵng có trạm/tuyến cáp quang cập bờ là trạm truyền dẫn quốc tế quan trọng của mạng viễn thông quốc gia; có 942 doanh nghiệp CNTT với doanh thu tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động. Đà Nẵng đang hình thành 4 khu CNTT tập trung. Đến nay thành phố đã xúc tiến thành công hơn 70 dự án trong lĩnh vực CNTT của các doanh nghiệp nước ngoài.
Để hiện thực hóa việc phát triển thành phố thông minh như mục tiêu đặt ra, song song với phát triển hạ tầng CNTT, Đà Nẵng tập trung đầu tư nguồn nhân lực để đảm bảo yêu cầu ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Hiện Đà Nẵng có hơn 500 cán bộ chuyên trách CNTT làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Trong đó, có 8 tiến sĩ, 35 thạc sĩ bảo đảm vận hành các hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố thông suốt. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong công tác ứng dụng CNTT vào quản lý Nhà nước. Bởi chính đội ngũ chuyên trách là những người trực tiếp vận hành và phát triển hệ thống tương tác chính quyền điện tử. Đồng thời là lực lượng tham mưu, định hướng để Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nhận định, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có nghị quyết của Thành ủy về ứng dụng và phát triển CNTT và xác định đây là một trong ba đột phá phát triển kinh tế. Thành phố xác định CNTT là hướng đi mới, kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn lực lao động trẻ, tri thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đà Nẵng chủ động tạo ra một hạ tầng thông tin kết nối, hạ tầng dữ liệu mở, minh bạch, chính xác và an toàn theo tinh thần Luật Tiếp cận thông tin nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tiếp thu sự tiên tiến của các mô hình kinh doanh mới, nền kinh tế chia sẻ... nhưng vẫn bảo đảm hài hòa với văn hóa, truyền thống của địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí khẳng định. Kết quả ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước và cải cách hành chính của thành phố thời gian qua là rất tốt. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan hành chính và nhân lực trong ngành công nghiệp phần mềm rất ấn tượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương.