Mức phạt không quan trọng bằng cách xử phạt
Theo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP), mức phạt bằng tiền tối đa lên đến 2 tỷ đồng. Đây là mức phạt khá cao so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, vấn đề không phải ở mức phạt, mà là cách thức triển khai, làm sao khi Nghị định được áp dụng sẽ đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Ảnh minh họa
Vậy theo ông mức phạt 2 tỷ đồng là chưa cao đối với các TCTD, ví dụ trong vi phạm về tỷ lệ an toàn vốn?
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là chỉ tiêu quan trọng nhất, là vấn đề sống còn của các ngân hàng. Vì thế, nếu ngân hàng nào vi phạm trong thời gian kéo dài như trong một năm có vài chục ngày hay một tháng có vài ngày không đạt chuẩn an toàn thì phải phạt ở mức cao nhất. Tuy nhiên, có khi ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm rất mong manh. Ví như, có trường hợp chỉ vi phạm rất nhỏ khoảng 0,1% do biến động thị trường; hay hạch toán nhầm khoản này khoản kia, chỉ vênh nhau một chút về dòng tiền ra vào là đã thành vi phạm. Trong những trường hợp như vậy có thể "châm trước" không phạt hoặc phạt nhẹ. Do đó, các mức xử phạt đối với trường hợp này cũng nên có nhiều mức độ khác nhau, không nên cứng nhắc.
Dự thảo có những quy định chi tiết, với nhiều mức phạt cho các trường hợp vi phạm khác nhau, liệu như vậy đã đủ sức răn đe?
Với mức phạt như Dự thảo theo tôi nghĩ là đủ để răn đe các hành vi vi phạm. Nhưng, điều cần lưu ý ở đây là các đối tượng điều chỉnh. Nếu mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân cán bộ, nhân viên thì là quá cao. Còn đối với tập thể, hay ngân hàng nói chung, nhất là đối với ngân hàng lớn, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì mức phạt 2 tỷ đồng lại là quá nhẹ. Đôi khi sự không hợp lý trong chính sách có thể gây hiệu ứng ngược.
Ông có thể nói rõ hơn về sự chưa hợp lý?
Có thể nói, các đối tượng điều chỉnh, hay mức phạt được áp dụng với hai đối tượng cá nhân và pháp nhân. Đối với nhiều lĩnh vực, phạt theo tỷ lệ hay giá trị vi phạm chứ không phải là mức cố định như Dự thảo Nghị định đưa ra. Ví như, để răn đe các hành vi vi phạm rửa tiền, mức phạt có thể hàng trăm triệu USD, tùy tính chất vụ việc. Một vấn đề nữa cũng khá phức tạp đó là tách các đối tượng điều chỉnh. Với đặc thù của lĩnh vực ngân hàng, việc tách thành xử phạt cá nhân hay tổ chức cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bởi, với đối tượng là những công việc thao tác xử lý thuộc về cá nhân thì quy định tương đối rõ. Nhưng để xác định, xử lý đối tượng pháp nhân là chủ ngân hàng hay ngân hàng thì không phải đơn giản.
Hiện tượng TCTD lách các quy định về lãi suất khá nhiều, theo ông có nên đưa những hành vi này vào quy định xử phạt của Nghị định?
Về nguyên tắc, không nên đưa vào Nghị định, nhưng nên có quy định khi thị trường biến động thì NHNN được phép đưa ra các hình thức xử phạt. Tuy nhiên, hiện tại các biện pháp hành chính áp dụng khá nhiều. Do đó, nên để thị trường tự điều chỉnh, hoặc NHNN can thiệp bằng công cụ kinh tế, tiền tệ... Những điều chỉnh tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do NHNN Việt Nam chủ trì soạn thảo là nhằm có thêm công cụ pháp lý giúp thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn lành mạnh hơn. Nhưng vấn đề mấu chốt mà tôi muốn nhấn mạnh là sức nặng răn đe các hành vi vi phạm không nằm ở mức phạt, mà quan trọng là việc thực hiện các quy định có nghiêm túc hay không. Có thể chỉ với những hình thức xử phạt như trước đây (như không được phép mở chi nhánh, phát triển nghiệp vụ...) cũng khiến các ngân hàng e ngại. Do đó, theo tôi nếu thực hiện nghiêm túc, kiên quyết cùng với mức xử phạt như trên thì không ngân hàng nào dám vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Vũ thực hiện