Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% là khả thi
Nỗ lực cao nhất, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng |
Quý III bứt phá
Trải qua 3/4 chặng đường năm 2024, nền kinh tế đã thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ qua từng quý (Quý I tăng 5,66% ; Quý II tăng 6,93%; Quý III tăng 7,4%), giúp tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, đâu đó đã nằm trong ngưỡng cận trên mục tiêu 6,5%-7% theo Nghị quyết Chính phủ.
Mức tăng này lẽ ra còn ghi nhận sự cải thiện tích cực hơn nữa nếu không phải chịu những tác động và hệ lụy cả trực tiếp và gián tiếp, cả vô hình lẫn hữu hình từ cơn bão Yagi vào đầu tháng 9 vừa qua. Song, quan trọng hơn là phía sau những con số tương đối tích cực trên chặng đường đã qua, chúng ta vẫn thấy các động lực ở tất cả các lĩnh vực, dù từ phía sản xuất hay từ phía cầu tiêu dùng cuối cùng - để kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục mở rộng (tăng trưởng) hơn nữa trong quý IV.
Các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước khá ổn định hay dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào... đều đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế dù ở các mức độ khác nhau, và sẽ tiếp tục góp thêm dư địa cho tăng trưởng, phát triển hơn nữa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý và các cân đối của nền kinh tế được đảm bảo; các cơ sở hạ tầng cho sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng tiếp tục ngày càng được hoàn thiện.
“Trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5%-7% là khả thi”, bà Nguyễn Thị Hương nhận định.
Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng là tiêu dùng nội địa |
Lạc quan nhưng không chủ quan
Mặc dù tăng trưởng được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm 2024, nhưng nền kinh tế có thể vẫn đối mặt với những thách thức, rủi ro lớn dù là khách quan, bên ngoài hay từ những vấn đề nội tại trong nước.
Sự kiện bão Yagi với tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ gần 3,3 tỷ USD chỉ là một ví dụ. Một ví dụ khác là tháng 9 vừa qua, dù xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm khá mạnh so với tháng 8 (giảm 9,9%)… Bối cảnh bất định toàn cầu, nhất là liên quan đến căng thẳng địa chính trị gia tăng mạnh trong những ngày gần đây, liệu có đẩy giá dầu mỏ hay giá hàng hóa cơ bản khác gia tăng đáng kể trong thời gian tới và tác động thế nào đến nhu cầu toàn cầu cũng như đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, vì vậy là một trong những vấn đề cần lưu tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nền kinh tế thời gian tới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn; Thiên tai, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường trực; Một số ngành kinh tế trọng điểm vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và ảnh hưởng của thiên tai; Áp lực lạm phát vẫn còn, cần được kiểm soát chặt chẽ; Năng lực cạnh tranh của một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Tính toán về các mức tăng trưởng cụ thể trong quý IV, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5% thì quý IV sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%. “Với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh chia sẻ.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê đề xuất: cần thực hiện một loạt giải pháp toàn diện và đồng bộ, trước hết là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Mặc dù thúc đẩy tăng trưởng, nhưng chúng ta cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.
Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng là tiêu dùng cuối cùng trong nước. Do đó cần đẩy mạnh tiêu dùng thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để gia tăng sức mua.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời cần chú trọng vào việc giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án hạ tầng giao thông, sẽ tạo ra động lực cho các ngành liên quan; Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…; Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí…; Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định; là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.