Nan giải bản quyền sách điện tử
Chuyện “xài nhạc chùa” | |
Cần thêm hàng rào trong sở hữu trí tuệ | |
Vi phạm bản quyền âm nhạc: Không lẽ cứ để “biết rồi, nói mãi!” |
Xuất bản điện tử khiêm tốn
So với sách in truyền thống, giá sách điện tử (không tính chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị đọc chuyên dùng hoặc máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh) chỉ bằng từ 15% đến 30%. Sách điện tử góp phần tăng khả năng tiếp cận đến độc giả mà không phụ thuộc vào các yếu tố vật lý như in ấn, vận chuyển, lưu kho và rất thân thiện với môi trường. Đây là lợi thế rất lớn, khi Việt Nam có hạ tầng công nghệ thông tin mạnh.
Tuy nhiều tiềm năng là thế, nhưng hiện hoạt động phát hành theo dạng sách điện tử ở các nhà xuất bản (NXB) chưa mang lại hiệu quả. NXB Công an nhân dân trong 4 năm qua tiến hành thử nghiệm, cũng mới chỉ đầu tư đưa các bản điện tử lên hệ thống của đơn vị khoảng 200 đầu sách và chưa có thu. Vài năm qua, NXB Quân đội nhân dân cũng mới thử nghiệm, ký hợp đồng đồng ý xuất bản phiên bản điện tử từ chính các ấn bản đã được đơn vị này xuất bản, với điều khoản sách được mua sẽ được trả nhuận bút. Nhưng đến giờ các tác giả cũng chưa được trả nhuận bút này do chưa có người mua. Đây cũng là vấn đề rất mới đối với các NXB Thanh niên, NXB Hồng Đức, NXB Tôn giáo, NXB Văn học… Thượng tá Trần Cao Kiều, Phó giám đốc NXB Công an nhân dân chia sẻ: “Hoạt động kinh doanh sách điện tử hiện nay chưa có thu, dù nhiều đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đây vẫn là lĩnh vực mới ở Việt Nam”.
Sách giấy vẫn được đông đảo bạn đọc trẻ lựa chọn |
Cục Xuất bản, In và Phát hành đã công bố số liệu tổng kết công tác xuất bản năm 2019. Theo đó, các NXB đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441.000.000 bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.900 cuốn với 403.882.458 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 2400 xuất bản phẩm với 1,5 triệu lượt truy cập; xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD… đạt 1800 xuất bản phẩm. Tỷ lệ bình quân chung đạt khoảng 4,6 bản/người/năm (tăng 10,6% so năm 2018). Theo số liệu này, có thế thấy xuất bản điện tử chiếm một tỷ trọng hết sức khiêm tốn, chưa tới 10% số lượng xuất bản phẩm đã được xuất bản và phát hành.
Phải xử lý được nạn vi phạm bản quyền
Nhìn ở mặt tích cực, các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio books mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video… và thậm chí kết hợp tất cả các format trong một xuất bản phẩm: sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (thí dụ bút chấm đọc). Điều này rất thuận lợi để tiếp cận bạn đọc.
Song phải nói rằng, về vấn đề bản quyền, ngay cả sách giấy, nhiều năm qua chúng ta cũng chưa làm tốt việc bảo vệ quyền tác giả. Với môi trường trên mạng, việc kiểm soát, giữ bản quyền sẽ càng khó khăn hơn và là rào cản chính ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Sách điện tử lậu gây ra những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế và uy tín đối với đơn vị xuất bản, kinh doanh nghiêm túc, có đầy đủ tư cách pháp nhân. Trong khi đầu tư cho sách điện tử là rất lớn thì doanh thu thu về lại không nhiều, thậm chí còn phải bù lỗ do người đọc phần lớn lựa chọn “sách chùa” sách miễn phí. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng số liệu sách điện tử bản quyền được số hóa chỉ chiếm vài % so với sách giấy hằng năm xuất bản. Nếu tình trạng vi phạm bản quyền tiếp tục tái diễn như hiện nay, trong tương lai, các đơn vị sở hữu tác phẩm có giá trị sẽ e dè khi lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hoặc sẽ thắt chặt các điều khoản, khiến thị trường sách Việt Nam khó hoà nhập với thị trường sách quốc tế.
Sách điện tử phát triển chưa tương xứng với tiềm năng |
Nhằm kiểm soát sự phát triển có tính tự phát và cả yếu tố phi thị trường của việc kinh doanh phát hành sách điện tử ở nước ta, ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành Thông tư số 42/2017/TT-BTTTT “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản”, trong đó ban hành kèm theo Mẫu đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu các NXB, công ty phát hành sách điện tử phải xây dựng đề án và hoàn thiện.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, sau 8 năm thực hiên Luật Xuất bản (2012), Luật Xuất bản đã thực sự giúp ngành xuất bản hoạt động có hiệu quả, đi vào nề nếp và các NXB hoạt động thuận lợi. Một trong những nội dung quan trọng của Luật Xuất bản 2012 là những quy định về hoạt động liên kết xuất bản, giúp ngành xuất bản được “cởi trói”, có thêm nguồn lực ngành xuất bản phát triển phong phú, đa dạng.
Trước nạn vi phạm bản quyền online đang ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát, rất cần các cơ quan chức năng có sự phối hợp một cách toàn diện về cơ chế, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để vi phạm, xử phạt nghiêm minh. Điều này sẽ không những bảo vệ được lợi ích kinh tế của các nhà cung cấp sách điện tử, mà còn góp phần tạo ra môi trường internet an toàn lành mạnh ở nước ta, tạo sự tin cậy của người đọc, từ đó có nhiều tác giả sẽ chấp nhận cho phép đưa tác phẩm của mình lên môi trường mạng. Phân tích vấn đề này, ông Võ Trung Tín, đại diện Công ty luật Phan Law Việt Nam cho biết: “Các trang web vi phạm bản quyền hầu hết đều sử dụng tên miền có chủ sở hữu thuộc nước ngoài. Do đó, các luật hiện hành khó có thể áp dụng xử lý vi phạm những đơn vị này. Mặc dù luật có đề cập đến trường hợp cá nhân dùng tên miền nước ngoài phải thông báo cho cơ quan chức năng, nhưng họ đã phớt lờ việc này. Đây cũng chính là cơ sở để các đơn vị sử dụng trái phép bản quyền sách”.
Để góp phần thúc đẩy xuất bản điện tử phát triển trong thời gian tới, cơ quan quản lý và các NXB, đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử cần có sự điều chỉnh trong cách thức hoạt động. Cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh hành lang pháp lý phù hợp theo hướng giảm bớt những quy định về thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng, qua đó giảm bớt công việc của chính các cơ quan quản lý, NXB, đồng thời có điều kiện tập trung các nguồn lực vào yêu cầu trọng yếu của xuất bản điện tử là nội dung xuất bản phẩm không bị thay đổi, sử dụng ngoài ý muốn của tác giả và NXB. Cùng với đó, là cải cách thủ tục hành chính để công tác quản lý thiết thực hơn, hiệu quả quản lý mạnh mẽ hơn, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm được chi phí.